Sự kiện

Gỡ vướng dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Quá trình triển khai đang gặp khó khăn, vì vậy Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở, ngành địa phương hỗ trợ.

Nhiều khó khăn khi triển khai dự án

Báo cáo tình hình thực hiện các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào chiều 1/2, ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, Nghệ An có 4 Trạm biến áp 220kV với dung lượng 1.500 MVA và 18 đường dây với chiều dài khoảng 1.137,1 km; trong đó có 4 đường dây 500kV kết nối lưới điện trên trục Bắc -Nam như Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan (2 mạch), 14 đường dây 220kV kết nối các nhà máy điện khu vực Tây Bắc Nghệ An như Khe Bố, Bản Vẽ và mua điện từ Lào về Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phụ tải các khu công nghiệp, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế khu vực Nghệ An.

Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia làm việc với UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh TT.

Hiện, EVNNPT đang triển khai dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu dài khoảng 225,5 km đi qua địa bàn 3 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An; trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 82,33 km, gồm 168 vị trí móng cột.

Tại Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu (đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Nghệ An) có diện tích đất rừng cần chuyển đổi hơn 25,6 ha; trong đó, rừng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng là hơn 12,5 ha rừng trồng và rừng trồng sản xuất thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND tỉnh Nghệ An là gần 11 ha.

Với dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu -Thanh Hóa dài khoảng 92 km đi qua địa bàn 2 tỉnh là Nghệ An và Thanh Hóa; trong đó đoạn tuyến đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 17,5 km, gồm 34 vị trí móng cột có diện tích đất rừng cần chuyển đổi gần 9,5 ha, gồm 0,73 ha rừng phòng hộ tự nhiên, hơn 5,5 ha rừng trồng phòng hộ và rừng sản xuất. Đến nay, dự án đã kê kiểm 28/34 vị trí móng; đo đạc phần hành lang tuyến toàn bộ 34 khoảng cột.

Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa dài khoảng 92 km đi qua địa bàn 2 tỉnh là Nghệ An và Thanh Hóa. Ảnh TT.

Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp một số khó khăn, vướng mắc thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, ranh giới toạ độ vị trí móng trụ, đường tạm…

Đặc biệt, đến nay, dự án đã chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thi công nhưng thủ tục liên quan đến việc tạm sử dụng rừng để làm các công trình tạm phục vụ thi công vẫn chưa có hướng dẫn để thực hiện.

Theo đó, với dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu, diện tích rừng trồng đặc dụng giảm từ gần 8,6 ha xuống còn khoảng 3,2 ha. Diện tích rừng trồng phòng hộ giảm từ 3,9 ha xuống còn khoảng 2,65 ha. Diện tích rừng trồng sản xuất giảm từ gần 11 ha xuống còn hơn 4,9 ha.

Diện tích rừng tự nhiên Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa giảm từ 0,7 ha xuống còn gần 0,5 ha; Diện tích rừng trồng giảm từ 5,54 ha xuống còn khoảng 2,85 ha. Phần diện tích đường tạm rừng tự nhiên và rừng trồng khoảng 3,19 ha vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ tại buổi làm việc. Ảnh TT.

Để đảm bảo tiến độ cấp bách hoàn thành đóng điện dự án vào tháng 6/2024 theo chỉ đạo, tại cuộc làm việc, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở ngành địa phương hỗ trợ, phối hợp giữ nguyên hướng tuyến các vị trí tại khu vực một số đoạn tuyến; điều chỉnh ranh giới khu vực khai thác mỏ đất đá để đảm bảo yêu cầu tiến độ dự án, sớm xem xét thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, giải quyết vướng mắc đối với hạng mục đường tạm phục vụ thi công các vị trí móng qua rừng để triển khai thi công đảm bảo tiến độ.

Nghệ An cam kết bàn giao mặt bằng dự án đường dây 500kV

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công, các địa phương, sở ngành liên quan, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, đây là các dự án có tính chất hết sức quan trọng, tỉnh Nghệ An thường xuyên chỉ đạo các sở ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện để triển khai dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định Nghệ An thường xuyên chỉ đạo các sở ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện để triển khai dự án. Ảnh TT.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ đầu tư bố trí kinh phí đầy đủ, thống nhất khung chính sách để hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện thực hiện theo đúng quy định. Chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá cụ thể diện tích rừng bị ảnh hưởng cần chuyển mục đích sử dụng để xem xét, xử lý; khảo sát kỹ mỏ đất đảm bảo an toàn thi công công trình.

Chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức vận động các chủ sử dụng đất, tài sản bị ảnh hưởng nhận tiền và bàn giao mặt bằng phần móng trụ và phần đường công vụ phục vụ thi công...

Ông Lê Hồng Vinh cũng chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tỉnh Nghệ An quyết tâm hoàn thành mặt bằng vị trí móng trong tháng 2/2024 và hành lang tuyến trong tháng 3/2024 đáp ứng mục tiêu yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.