Kinh tế vĩ mô

Gỡ nút thắt, tạo cơ chế để xe điện “rộng đường” chạy

Thời của xe điện đang tới và Việt Nam không thể đứng “ngoài lề” xu hướng này. Tuy nhiên, phát triển xe điện Việt Nam vẫn còn nút thắt cần giải quyết.

Đón xu hướng bằng chính sách

Cuộc cách mạng về xe điện đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu và thị trường xe điện Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Theo nhận định tại báo cáo mới đây về chỉ số thị trường xe ô tô điện trong nước do Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) công bố, thị trường ô tô của Việt Nam đang còn rất nhiều dư địa và đang rất có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này dòng xe điện hóa. Nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời, có khả năng Việt Nam sẽ vươn lên nhóm đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực phát triển xe ô tô điện.

Thực tế cho thấy dù Nhà nước đã đưa ra những tín hiệu đáng mừng để khuyến khích sản xuất và kích cầu người tiêu dùng sử dụng dòng xe điện hóa, tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn đầy đủ để phản ánh cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của các bộ phận, hệ thống và các xe hoàn chỉnh.

Theo GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện nay cơ chế, chính sách đang là vấn đề thách thức lớn nhất đối với phát triển xe điện ở Việt Nam.

“Làm gì cũng vậy, chúng ta cần thay đổi cơ chế, không gian chính sách thì mới có thể thu hút đầu tư và khuyến khích sự phát triển được.

Trước hết, đó là hệ thống về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với phương tiện xe điện. Quy định như thế nào thì gọi là một chiếc xe điện đủ tiêu chuẩn, tính năng, vận hành một cách an toàn và bảo vệ được môi trường? Đó là việc chúng ta cần làm và làm sớm để tránh việc bị động.

Rồi tiêu chuẩn về trạm sạc, về thu hồi, xử lý và tái chế pin sau khi quá thời hạn sử dụng như thế nào? Hiện nay những điều này vẫn chưa đồng bộ và chúng ta vẫn đang trong quá trình hoàn thiện”, GS.TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ.

GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh cần tính toán các cơ chế về ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng ví dụ như về thuế, phí, vay vốn, quỹ đất, ưu đãi đầu tư….

“Có thể chúng ta chưa làm được ngay để làm bước đột phá nhưng chúng ra phải làm từng bước để chủ động tạo không gian phát triển cho loại phương tiện này. Nếu để sau này khi sử dụng phương tiện xe điện đã nhiều hơn thì việc tạo hành lang pháp lý, không gian chính sách sẽ khó và phức tạp hơn”, ông Tuấn nói.

Từ góc nhìn hỗ trợ doanh nghiệp, Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy đánh giá hiện tại Việt Nam đang còn thiếu chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ việc phát triển xe điện chứ chưa nói đến việc hướng lĩnh vực này tới các mục tiêu cao hơn như dẫn đầu trong khu vực.

Chủ yếu những ưu đãi mà xe điện nhận được chỉ nằm ở thuế tiêu thụ đặc biệt và điểm khác biệt này không thực sự tạo được đòn bẩy để xe điện có thể cạnh tranh với các dòng xe chạy xăng, dầu.

Còn theo TS. Lê Anh Sơn - Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty CP Phenikaa-X, yếu tố thành công cuả một doanh nghiệp không thể không tính đến các chính sách thúc đẩy của nhà nước. Doanh nghiệp luôn cần nhà nước đồng hành.

Theo ông Sơn, Nhà nước cần tạo cơ chế thuận lợi cho việc thử nghiệm các công nghệ mới, mang tính đột phá cao. Điều này rất quan trọng vì nếu thiếu môi trường để thử nghiệm, doanh nghiệp khó có thể có bước tiến đột phá. Như các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc, họ sẵn sàng cho phép thử nghiệm các công nghệ mới ở những bang, các tỉnh khác nhau, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị hoàn thiện về mặt công nghệ.

Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế chính sách riêng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển các công nghệ phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hỗ trợ không những về vốn mà còn được hỗ trợ, tư vấn về mặt công nghệ, tạo cộng đồng cùng phát triển. Bài toán phát triển công nghệ không phải là bài toán của riêng một công ty mà là bài toán của một hệ sinh thái.

Đặc biệt là xây dựng các điều luật phù hợp, nhanh có những văn bản luật và dưới luật để giúp cho các công ty có định hướng rõ ràng hơn về việc phát triển sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn ngay từ đầu.

Những năm gần đây ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy tại Việt Nam đang thu hút nhiều “ông lớn” tham gia.

 Để xe điện “rộng đường” chạy

Trong việc phát triển xe điện ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo về khó khăn trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng tương thích bởi để tạo điều kiện thuận lợi sử dụng xe điện thì phải xây dựng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện, phủ khắp như với xe sử dụng xăng.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hiện nay hệ thống hạ tầng chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Chúng ta đang thiếu các bãi đậu xe có lắp trạm sạc, trạm sạc bố trí trên các tuyến đường tỉnh lộ. Nhất là bổ sung trạm sạc cho các bãi đậu xe hiện tại.

Theo đó, muốn phát triển xe điện thì Chính phủ và doanh nghiệp sản xuất phải đồng hành, hợp tác để xây dựng trạm sạc.

“Hiện nay chúng ta có quy định về khoảng cách các cây xăng trên một cung đường cao tốc. Vậy thì người dùng xe điện di chuyển một quãng đường bao xa thì lại có một sạc điện? Đi cả quãng đường dài như vậy mà trạm sạc thưa thớt thì chắc chắn nhiều người sẽ ngại mua xe điện. Pin sẽ sạc nhanh khi đến ngưỡng nào đó thì chậm lại, do vậy nếu đi đường dài thì rất cần trạm sạc dày đặc, có thể vừa đi vừa sạc trên đường chứ không bị hết pin”, chuyên gia này đặt câu hỏi.

Đồng tình với việc đầu tư hạ tầng cần được ưu tiên thực hiện và cũng cần đi trước một bước, tuy nhiên GS.TS Lê Anh Tuấn cũng cho cần nhấn mạnh vai trò đầu tư của doanh nghiệp hơn là phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

“Trước đây các trạm xăng thì bây giờ phải là các trạm sạc và trạm sạc phải được đầu tư một cách đồng bộ và rộng khắp. Thế rồi là câu chuyện ai sẽ đầu tư trạm sạc, bởi vì không thể dùng tiền nhà nước để đầu tư tất cả trạm sạc được. Nhưng mà để tư nhân, các doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm sạc thì rõ ràng lại quay trở lại phải có cơ chế phù hợp”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh vấn đề nguồn điện và hạ tầng lưới điện cũng rất quan trọng, bởi nếu trước đây chỉ tính toán năng lượng điện cho sinh hoạt và sản xuất thì nay phải tính đến năng lượng điện cho giao thông đảm bảo thông suốt, không gián đoạn.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển thị trường xe điện. 

Ở một khía cạnh khác, TS. Lê Anh Sơn lại lưu ý đến yếu tố công nghệ. Theo đó, muốn làm chủ xe điện, phải làm chủ ít nhất là một hoặc nhiều thành phần công nghệ để tạo nên một sản phẩm. Việc làm chủ công nghệ là một việc cực kỳ lợi thế khi cạnh tranh với các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực.

“Nên có những bước phát triển hợp lý, học hỏi các đối thủ lớn và dần dần làm chủ, chọn thời điểm thích hợp để phát triển mở rộng khi mọi công nghệ đã ở thời điểm chín muồi. Việc phát triển quá nhanh hoặc quá ồ ạt khi không có trong tay công nghệ nào thường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụi khác nhau”, CEO của Công ty CP Phenikaa-X chia sẻ.

Chia sẻ về tầm quan trọng của công nghệ và làm chủ công nghệ, GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng cần đầu tư hơn nữa cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ.

“Khi chúng ta xác định phát triển xe điện là xu thế thì việc nghiên cứu phải liên tục để bổ trợ không ngừng cho xu thế đó”, GS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh đồng thời cho rằng cần đề cao hơn nữa vai trò của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong vấn đề này.