Sự kiện

Giữa tâm dịch, nhà báo xông pha mọi “mặt trận” cùng hỗ trợ công nhân

Không quản ngại khó khăn, nhiều nhà báo đã xông pha vào tâm dịch để cập nhật tin tức chính xác nhất và hỗ trợ người dân, công nhân lúc khó khăn.

Cùng chống dịch

Những ngày qua, trên khắp cả nước tình hình của dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, số ca nhiễm ở nhiều địa phương không ngừng tăng lên. Chính phủ, UBND tỉnh nơi có ca mắc đã triển khai hàng loạt các phương án cấp bách để phòng, chống dịch một cách hiệu quả nhất.

Trong những ngày này phải kể đến lực lượng Y tế, công an, quận đội… những “mũi nhọn” trong công tác phòng chống dịch. Họ đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình để ngăn chặn các nguồn lây, phòng chống dịch…

Riêng tại tỉnh Bình Dương, khi số nhiễm Covid-19 tăng hơn 200 ca, cơ quan chức năng đang khoanh vùng nỗ lực chặn đứng nguồn lây. Cơ quan y tế phải làm việc đêm, thần tốc lấy mẫu xét nghiệp cho hàng chục nghìn người dân, công nhân sinh sống trên địa bàn.

Diễn biến dịch ngày càng phức tạp, cơ quan chức năng "căng mình" chóng dịch.

Cùng với lực lượng y tế và các ngành chức năng khác, những ngày qua không thể không kể đến những đóng góp tích cực của lực lượng nhà báo, phóng viên thường trú tại tỉnh Bình Dương, khi ai cũng “căng mình” trong vùng tâm dịch để phản ánh chân thực diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này trong cộng đồng, Bình Dương phải đối mặt nhiều hơn với những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập song song với việc kiểm soát địa bàn, điều tra, truy vết. Công tác thông tin tuyên truyền từ báo, đài đưa ra các địa điểm có yếu tố dịch tễ cũng là một kênh phòng, chống dịch hữu hiệu.

Chia sẻ với Người Đưa Tin pháp luật, nhà báo Lê Ánh (PV Báo Pháp Luật, TP.HCM thường trú tại Bình Dương) cho hay: “Những ngày qua dường như là những ngày không ngủ của lực lượng Y tế và cũng chính bản thân người làm báo như tôi. Được sự tin tưởng và giao phó của toà soạn, mỗi ngày tôi đều phải theo dõi chặt các thông tin trên địa bàn Bình Dương đặc biệt trong lúc dịch Covid-19 không ngừng diễn biến phức tạp. Mặc dù biết dịch rất nguy hiểm nhưng với tâm thế của một người làm báo, có nghĩa vụ mang thông tin đến với bạn đọc và trách nhiệm của chính một công dân, tôi không ngại ‘xông pha’ vào tâm dịch để tuyên truyền chính xác nhất những thông tin về dịch, cập nhật cho người dân biết địa điểm có dịch, cách phòng tránh và đặc biệt là trấn an người dân”.

Nhà báo Lê Ánh tác nghiệp lúc đêm khuya tại nơi có ca nhiễm Covid-19.

“Thực sự, những ngày đeo đám thông tin về dịch là một thử thách, xong càng trong thử thách những người cầm bút trên mặt trận tuyên truyền lại càng quyết tâm cao hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Đóng góp sức mình bằng chính những câu chữ, cùng với lực lượng của tỉnh Bình Dương, lực lượng Y tế sớm vượt qua đại dịch này”.

Cũng “xông pha” trong những ngày dịch bùng phát, nhà báo Minh Duy (báo Bình Dương) chia sẻ: “Những ngày qua, ở đâu có thông tin khoanh vùng vì dịch là tôi có mặt, không chỉ để đưa thông tin tuyên truyền mà còn xem người dân ở đó cần gì, mong muốn gì để còn viết, còn hỗ trợ. Lực lượng báo chí không trực tiếp lấy mẫu, không sàng lọc được bệnh nhân, nhưng chúng tôi bằng ngòi bút của mình sẽ nỗ lực thông tin chính xác nhất đến người dân, bạn đọc về tình hình dịch. Người dân hãy an tâm ở nhà, tuân thủ công tác phòng chống dịch. Hiện nay, cơ quan chức năng đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta sớm sẽ quay trở lại những ngày bình yên”.

Trăn trở cùng người dân, công nhân trong khu cách ly

Trong đại dịch, nghề báo là một trong số ít nghề nghiệp không bị ngưng trệ. Ngược lại, nhiều phóng viên, nhà báo còn phải làm việc với cường độ công việc cao hơn so với bình thường. Thậm chí, có nhiều nhà báo còn chia sẻ, trong cuộc đời làm nghề chưa bao giờ đi nhiều, viết nhiều và đặc biệt lúc nào cũng phải mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân.

Đợt dịch vừa qua cũng là những ngày kỷ niệm đáng nhớ với Nhà báo Đỗ Trường (báo Thanh Niên). Là một trong những nhà báo có thâm niên và gắn bó với tỉnh Bình Dương từ rất lâu, trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở tỉnh này, Nhà báo Đỗ Trường vẫn luôn trăn trở rất nhiều.

Vật tư hỗ trợ người dân được chở vào khu cách ly.

“Mỗi ngày, khi nghe tin ở đâu có dịch, khoanh vùng y tế là tôi tức tốc đến ghi nhận thông tin, đưa đầy đủ các nội dung, yếu tố dịch tễ, địa điểm người mắc bệnh đi qua để người dân nâng cao nhận thức, phòng tránh… Những ngày qua, thực sự là cả tỉnh Bình Dương từ cơ quan chức năng đến người dân đã và đang ‘căng mình’ nỗ lực đoàn kết cùng nhau chống lại dịch bệnh Covid-19. Ngày nào cũng nghe dịch, nghe ca bệnh tăng khiến chúng ta không khỏi rùng mình lo sợ. Hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh đang được ngành chức năng làm rất tốt nhưng tôi vẫn còn nhiều trăn trở lắm”, Nhà báo Đỗ Trường chia sẻ.

“Tôi trăn trở là vì khi tôi đến tác nghiệp ở những nơi có dịch, đấy là những khu công nghiệp, khu dân cư mà ở đó những người bị phong toả có hàng chục nghìn người là công nhân, người dân có thu nhập thấp. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến họ mất việc làm, giảm lương mà còn phải sống chật vật thấp thóm. Ở trong những khu phố, khu nhà trọ lụp xụp, chật chội chính là nơi tiềm ẩn cho dịch bùng phát, sống trong cảnh này chắc chắn ai cũng thiếu thốn đủ điều”, Nhà báo Trường nói.

Nhà báo Đỗ Trường sau khi tác nghiệp, tức tốc chở nhiều phần lương lực, thực phẩm vào khu cách ly tặng cho người dân, công nhân.

“Cứ mỗi lần đưa xong thông tin, trên đường về tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp được người dân, công nhân...? Không phải là lực lương Y tế nên không thể lao thẳng vào ‘tâm dịch’.. nhưng nhìn người dân, anh chị công nhân ở trong khu cách ly lại không cầm lòng được. Thay vì cứ trăn trở, cứ làm tốt công việc tuyên truyền của mình, tôi và gia đình cùng bạn bè, quyết định 1 công đôi việc. Tôi đã huy động mọi người cùng quyên góp các phần quà, thức ăn, gạo, đồ uống, chia thành hàng trăm phần rồi cùng nhau vào khu cách ly để tặng cho người dân, công nhân khó khăn. Khi đấy, tôi thấy mình vừa hoàn thành được chính nhiệm vụ của cơ quan, toà soạn giao phó vừa xoá tan được sự trăn trở của tôi. Ở trong khu cách ly, nhiều người sống khó khăn lắm nên hãy cùng nhau chia sẻ cùng nhau làm điều tốt, vượt qua đại dịch, chúng ta sẽ trở lại những ngày bình thường”, Nhà báo Đỗ Trường chia sẻ.

Những món quà của các Nhà báo, nhà hảo tâm gửi đến người dân, công nhân đang trong vùng cách ly.

“Cuộc chiến” chống dịch Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan phía trước nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chúng ta tin tưởng đại dịch sẽ được đẩy lùi. Đối với các Nhà báo, Phóng viên, tôi và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân cả nước trong “cuộc chiến” đầy gian nan này. Cuộc sống bình thường sẽ trở lại trong những ngày sớm nhất.