Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng ký tên lên tranh: Giới họa sĩ bức xúc

Nhiều họa sĩ cho rằng, họa sĩ “đẻ” ra bức tranh mới là chủ nhân thực sự, còn người mua lại chỉ là một trong những chủ sở hữu bức tranh. Vì thế, hành động ký tên lên bức tranh của Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… đã “bóp chết” con đường đi của tác phẩm ấy.

Trở thành tác phẩm “chết”!

Gần đây, dư luận vẫn đang đặc biệt quan tâm đến câu chuyện nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên…ký tên lên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình trong chương trình “Tình nghệ sĩ” để quyên góp giúp đỡ nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương đang mắc bệnh ung thư phổi. Trước hành động này nhiều người cho rằng các nghệ sĩ đang thể hiện sự vô duyên và không tôn trọng tác giả của bức tranh.

Khi đề cập đến vấn đề nghệ sĩ ký tên vào tranh của hoạ sĩ nổi tiếng, họa sĩ Nguyễn Đình Hợp tỏ ra khá bức xúc và cho biết: “Đây là hành động miệt thị nghệ thuật của những người đang theo con đường nghệ thuật. Bởi, không cứ gì một tác phẩm nghệ thuật mà tất cả những vấn đề mang tính sở hữu trí tuệ của một cá nhân thì những người khác đều không được bôi bẩn lên, trừ khi chủ nhân đó cho phép.

Nhiều người đang nhầm lẫn và cho rằng người mua được bức tranh sẽ là chủ nhân của nó. Đây là sự nhầm lẫn không đáng có. Họa sĩ “đẻ” ra bức tranh mới là chủ nhân thực sự, còn người ta mua lại chỉ là một trong những chủ sở hữu. Nên đừng “lợi dụng” vào người sở hữu để xúc phạm lên “đứa con tinh thần” của họa sĩ”.

Việc ca sĩ nổi tiếng như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng... ký tên lên tác phẩm của một họa sĩ nổi tiếng đang nhận sự phản ứng gay gắt. 

Cũng theo họa sĩ Nguyễn Đình Hợp, một tác phẩm của họa sĩ khi bị ký tên nhằng nhịt lên thì coi như người ký đã “bóp chết” con đường đi của tác phẩm ấy. Tác phẩm bị ký tên lên coi như đã dừng lại, không được chuyển nhượng ở bất kỳ chỗ nào khác, không được đem đi đấu giá ở nơi nào khác, thậm chí sẽ nhận những cái lắc đầu ngay lập tức. Vì họ cho rằng, “cha đẻ” của tác phẩm đã bị bôi nhọ và tác phẩm đã bị phá hoại và mất đi ý nghĩa thực sự.

“Hành động ký tên lên bức tranh khi chưa được chủ nhân cho phép sẽ vi phạm bản quyền của tác giả, vi phạm đạo đức của một người hoạt động về nghệ thuật, chặn đứng con đường tiến của một tác phẩm đó. Ví dụ dòng nước đi qua nhiều thác, nhưng khi đi qua thác tạm gọi “thác Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên”…thì bị chặn đứng lại và không cho chảy nữa.

Bản thân tôi chưa từng rơi vào tình huống này, bởi tôi là người kiểm soát tác phẩm tương đối tốt. Thứ 2, tác phẩm sơn mài chắc chắn khó khi ký tên, thứ 3 gần như đây là trường hợp hi hữu mà họa sĩ Hứa Thanh Bình hơi chủ quan. Theo tôi nghĩ, cách tôt nhất để các họa sĩ bảo vệ “đứa con tinh thần" của mình là không cho phép và không ai được phép ký bất cứ đâu trên bức tranh, trừ ở khung của bức tranh”, họa sĩ Nguyễn Đình Hợp thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Xem video: Giới họa sĩ nói gì khi tác phẩm bị “bóp chết” dưới những chữ ký của người nổi tiếng?

Bức xúc vì tranh cũng tự bị ký tên

Về vấn đề này, họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng bày tỏ: “Đây là hành động bôi bẩn lên một tác phẩm nghệ thuật và khó lòng chấp nhận được. Cách đây cũng khá lâu, một tác phẩm của tôi cũng bị ký tên nhằng nhịt lên. Tôi khá bức xúc trước hành động thiếu văn hóa đó và có bày tỏ quan điểm lên trang cá nhân của mình. Ngay lập tức, những chia sẻ đó đã được nhiều người trong giới họa sĩ ủng hộ. Tuy nhiên, vì không muốn làm to chuyện nên mọi thứ cũng chỉ dừng lại như “chưa có gì xảy ra”. Có một vài người xung quanh nói tranh của tôi “oách” nên mới được những tên tuổi có tiếng họ ký lên, nhưng tôi vô cùng bức xúc và thấy tổn thương”.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, tác phẩm được mang ra đấu giá là một sự kích lệ, động viên rất lớn đối với một họa sĩ. Điều này chứng tỏ tác phẩm ấy được nhiều người yêu thích và để ý đến. Thế nhưng, đây là một “hàng hóa đặc biệt”, vì người họa sĩ đôi khi họ quan trọng sự tôn trọng, nâng niu tác phẩm hơn là đồng tiền. Họ sẵn sàng không bán cho những người coi thường tranh, coi trọng đồng tiền hơn giá trị tinh thần.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng bày tỏ quan điểm về việc các ca sĩ nổi tiếng ký tên lên tác phẩm nghệ thuật.

“Nhiều người nghĩ rằng, cứ bỏ tiền ra mua bức tranh là được sở hữu và quyền trao đổi buôn bán nhưng họ đâu biết, họ không có quyền được tác động lên để xuyên tạc tác phẩm của họa sĩ.

Nhiều khi tôi bán tranh, nhiều khách đề nghị viết lên mặt tranh đề ông X kính tặng ông Y nhưng tôi luôn từ chối và đề nghị nếu thích sẽ viết ra mặt sau thì nó sẽ trang trọng, lịch sự và thể hiện mình là người có văn hóa rất cao. Tự dưng viết lên mặt tranh trông rất thô thiển, còn biểu hiện người sở hữu nó đang không am hiểu nghệ thuật. Khi tôi nói như vậy tất cả các khách hàng mua tranh của tôi đều đồng ý và nhờ tôi tư vấn thêm. Vì thế, đừng nghĩ bỏ tiền ra mua, muốn làm gì thì làm. Người mua, người ký tên cần có cái nhìn văn hóa hơn nữa”, họa sĩ Bùi Trọng Dư nói.