Đối thoại

Ý nghĩa cuộc đối thoại Mỹ-Trung khi quan hệ song phương ở ngã ba đường

Giới chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc cho rằng quan hệ song phương Trung-Mỹ đang ở ngã ba đường và cuộc đối thoại thời điểm này rất ý nghĩa.

Điện tử VOV đưa tin, đối thoại chiến lược cấp cao Mỹ-Trung diễn ra trong hai ngày 18-19/3 tại bang Alaska, Mỹ với không khí vô cùng căng thẳng khi hai bên dành phần lớn thời gian để chỉ trích lẫn nhau, đối thoại cũng kết thúc mà không đưa ra được Tuyên bố chung.

Dấu ấn của cuộc gặp đầu tiên này chính là các cuộc tranh cãi gay gắt trong phiên mở màn diễn ra vào chiều 18/3 theo giờ địa phương, cho thấy mức độ căng thẳng và đối đầu giữa hai bên.

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, đã dành một số giờ trong hai ngày qua để trao đổi với các đối tác Trung Quốc về nhiều chủ đề khác nhau. Dù còn một số vấn đề mâu thuẫn, nhưng hai bên đã có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và về biến đổi khí hậu, những chủ đề mà hai nước có lợi ích giao thoa.

Đại diện của Chính phủ Mỹ đồng thời nói rõ với các đối tác Trung Quốc về việc đang xem xét các vấn đề liên quan tới kinh tế, thương mại và công nghệ, trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với Quốc hội, với các đồng minh và đối tác của mình. Ông Blinken khẳng định Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thực thi hành động theo cách bảo vệ đầy đủ, nâng cao lợi ích của người lao động và doanh nghiệp Mỹ.

“Có hai điều chúng tôi muốn làm khi đến đây và gặp gỡ các đối tác Trung Quốc. Đầu tiên, chúng tôi muốn chia sẻ với họ những quan ngại sâu sắc về một số hành động mà Trung Quốc đã thực hiện và hành vi mà Trung Quốc đang thể hiện, những lo ngại được chia sẻ bởi các đồng minh và đối tác của Mỹ, và chúng tôi đã làm được điều đó. Thứ hai, chúng tôi cũng muốn vạch ra rất rõ ràng các chính sách, ưu tiên, thế giới quan của riêng mình, và chúng tôi cũng đã làm được điều đó”.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden cũng cho biết, phái đoàn Mỹ đã dự định thảo luận trực tiếp và mạnh mẽ với đại diện Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, và đó chính xác là những gì đã thực hiện.

Quang cảnh đối thoại cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ và Trung Quốc tại Alaska, Mỹ ngày 18/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, trả lời báo chí sau Đối thoại chiến lược cấp cao Trung – Mỹ lần đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, đại diện phía Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc và Mỹ vẫn còn tồn tại một số bất đồng nghiêm trọng.

Ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, đối thoại lần này đã góp phần tăng cường hiểu biết giữa hai bên, mặc dù Trung – Mỹ vẫn còn tồn tại bất đồng nghiêm trọng trên một số vấn đề, tuy nhiên ông hy vọng hai bên sẽ tăng cường đối thoại để giải quyết.

“Trung Quốc hy vọng hai bên tăng cường trao đổi, giao lưu và đối thoại trên các lĩnh vực. Trung Quốc và Mỹ cần căn cứ vào các nguyên tắc không xung đột, không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng để xử lý quan hệ, nhằm đưa quan hệ Trung - Mỹ phát triển theo quỹ đạo lành mạnh và ổn định”, ông Dương Khiết Trì nói.

Trung Quốc khẳng định thiện chí khi tham dự cuộc gặp lần này theo lời đề nghị của phía Mỹ, nhằm thực hiện nhận thức chung đạt được giữa Nguyên thủ hai nước tại cuộc điện đàm hồi tháng 2, nhằm không để quan hệ hai nước tiếp tục lâm vào tình trạng “khó khăn nghiêm trọng chưa từng có” như hiện nay, cũng như quan điểm lập trường của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề, như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, đường lối ngoại giao và quan điểm của nước này trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nước này, như Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng…

Theo phía Trung Quốc, tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí duy trì đối thoại liên lạc, triển khai hợp tác cùng có lợi, ngăn ngừa việc hiểu nhầm và phán đoán sai, tránh xung đột đối kháng, thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ phát triển lành mạnh, ổn định trên tinh thần cuộc điện đàm ngày 11/2 giữa Nguyên thủ hai nước. Hai bên cũng mong muốn tiếp tục duy trì hình thức trao đổi cấp cao tương tự, tăng cường đối thoại hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và sẽ thiết lập Nhóm công tác chung về biến đổi khí hậu giữa Trung Quốc và Mỹ.

Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi về việc tạo thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan và nhân viên ngoại giao lãnh sự hai bên, cũng như những vấn đề liên quan đến phóng viên báo chí hai nước trên tinh thần đối đẳng cùng có lợi. Hai bên cũng thảo luận việc điều chỉnh chính sách du lịch và visa dựa trên tình hình dịch bệnh, từng bước thúc đẩy đi lại bình thường giữa hai nước. Các vấn đề về kinh tế thương mại, hợp tác quân đội, an ninh mạng, hạt nhân Iran, bán đảo Triều Tiên, Myanmar, cũng như các hoạt động đa phương trong khuôn khổ G20 và APEC… cũng được hai bên thảo luận và nhất trí duy trì, tăng cường liên lạc, phối hợp

Theo TTXVN, truyền thông và giới chuyên gia phân tích của Trung Quốc đánh giá đối thoại cấp cao Trung-Mỹ vừa qua là cuộc hội đàm song phương trực tiếp quan trọng đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức tháng 1 vừa qua.

Giới chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc cho rằng quan hệ song phương Trung-Mỹ đang ở ngã ba đường và cuộc đối thoại được tổ chức vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo các chuyên gia, thông thường thể thức đối thoại 2+2 có sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của hai nước.

Cuộc đối thoại lần này chủ yếu diễn ra giữa giới chức ngoại giao và không bao gồm vấn đề quân sự, song sự tham gia của các quan chức ngoại giao chủ chốt của hai nước cho thấy hai bên rất coi trọng cuộc đối thoại lần này.

Tờ Thời báo hoàn cầu dẫn ý kiến của một số chuyên gia nhận định rằng trước thềm đối thoại, Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đưa ra một số tín hiệu cứng rắn do tác động từ một số chính trị gia có quan điểm cực đoan đối với Trung Quốc, song chính quyền Tổng thống Biden chắc chắn sẽ quyết định hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề.

Theo giới chuyên gia, thông qua thúc đẩy tiếp xúc, chính quyền Tổng thống Biden có thể hoàn tất một chiến lược thiết thực hơn với Trung Quốc. Các nhà phân tích nhấn mạnh việc đưa ra chính sách thông qua đối thoại và trao đổi luôn tốt hơn việc cắt đứt trao đổi và khiến căng thẳng leo thang.

H.H (tổng hợp)