Giáo dục

Giấy xanh và ống hút hạt bơ giành giải Nhất cuộc thi SV-STARTUP 2020

Tối ngày 22/12, bộ GD&ĐT đã trao giải Nhất cho hai dự án được đánh giá cao nhất trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.

Ngày 22/12, bộ  Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2020 tại trường đại học Thủy Lợi.

Phát biểu tại ngày hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá: “Những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã có bước tiến rất dài, mặc dù quá trình hoàn thiện còn rất xa. Hiện Việt Nam đã có trên 60 quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong các trường đại học, có hơn 70 không gian làm việc chung dành cho khởi nghiệp sáng tạo. Trên cả nước, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Điều quan trọng nhất là rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên đã được khơi dậy khát vọng cùng nhau khởi nghiệp, sáng tạo, đóng góp vào xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu đi tham quan các gian trưng bày tại ngày hội.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, thế giới ngày nay giống như một cuộc chạy đua cạnh tranh khốc liệt. Theo Phó Thủ tướng, để đất nước phát triển nhanh, bền vững và đạt được mục tiêu đến năm 2035 có một xã hội thịnh vượng, có thu nhập ở mức trung bình cao, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới giáo dục đào tạo, trong đó khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Khởi nghiệp sáng tạo cần hướng đến tận dụng các nền tảng công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, cách tiếp cận thị trường mới, từ đó tạo ra một thị trường mới thành công.

Trong khuôn khổ ngày hội, đã diễn ra vòng chung kết thuyết trình và phản biện của cuộc thi ý tưởng học sinh sinh viên khởi nghiệp. Sau một ngày thi căng thẳng, các nhóm thí sinh đã chạm tay đến những giải thưởng cao nhất trong buổi tối cùng ngày.

Tại lễ trao giải, đại diện bộ GD&ĐT đã trao giải Nhất cho hai dự án xuất sắc nhất thuộc khối sinh viên và khối học sinh.

Ở khối sinh viên, dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” (làm giấy từ thân cây chuối - gọi là giấy xanh) của nhóm sinh viên trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh được vinh danh ở vị trí cao nhất. Nhóm nhận được bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT; 60 triệu đồng tiền mặt; gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) lên chung vui cùng nhóm dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” (làm giấy từ thân cây chuối - gọi là giấy xanh) giành giải Nhất.

Nhận được giải thưởng cao nhất, sinh viên Lê Thuỵ Tường Vân (trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm chưa từng dám mơ kết quả này. “Chúng em tới được vòng chung kết đã rất vui rồi. Đến khi nhóm được xướng tên nhận giải Nhất, chúng em đều như vỡ òa. Giải thưởng tuy nằm ngoài mong đợi nhưng rất xứng đáng với công sức chúng em bỏ ra. Đến tận đêm qua, nhóm đã thức đến 2h sáng để chỉnh sửa và chuẩn bị tốt nhất cho phần dự thi” - Tường Vân chia sẻ.

Ở khối học sinh, giải Nhất thuộc về dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của học sinh đến từ sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk. Các em nhận được bằng khen của Bộ trưởng GD&ĐT cùng 30 triệu đồng.

Đại diện nhóm thí sinh giành giải Nhất với dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ”, học sinh Thanh Mai (Đắk Lắk) cho biết: “Chúng em rất vui khi dự án đã giành được giải thưởng cao nhất và mở ra thêm những cơ hội mới”.

Thầy Trần Đức Huyên - Hiệu trưởng trường tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk) - cũng không giấu nổi niềm vui cùng học sinh: “Đắk Lắk là thủ phủ của bơ, nên khi các em học sinh đề xuất ý tưởng, nhà trường đã tạo mọi điều kiện để chắp cánh.

Thầy Trần Đức Huyên - Hiệu trưởng trường tiểu học, THCS & THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk) đồng hành cùng nhóm dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ”.

Đây quả thực là một niềm vui lớn đối với ngành giáo dục địa phương. Không chỉ nằm ở giải thưởng, mà đây sẽ trở thành động lực cho học sinh các lứa tuổi cùng đam mê sáng tạo và đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp ngày càng nhiều hơn nữa. Hơn hết, đó sẽ là yếu tố thúc đẩy tinh thần của các em học sinh và hiện thực hóa những ý tưởng có ứng dụng thực tiễn”.

SV-STARTUP 2020 là cuộc thi khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên có độ tuổi từ 12 đến 24. Cuộc thi là điểm nhấn quan trọng của ngày hội Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - sự kiện quy mô toàn quốc với hơn 250 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và hàng nghìn trường THCS, THPT tham gia, tiếp cận được gần 20 triệu học sinh, sinh viên.

Cuộc thi được phát động từ tháng 7, đã nhận được hơn 600 dự án, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Đại diện ban giám khảo, ông Trần Hữu Đức (Giám đốc đào tạo, tập đoàn Trung Nguyên Legend) đánh giá các dự án lọt vào chung kết cuộc thi rất phong phú, có đầy đủ đề tài từ nghệ thuật, giáo dục, y, dược, nông, lâm, công nghiệp, công nghệ và thủy lợi. Các dự án cho thấy học sinh, sinh viên đầy khát vọng, lòng dũng cảm, sự sáng tạo, nhân văn.

Bà Ngô Thị Minh (Thứ trưởng bộ GD&ĐT) cũng đánh giá cao các dự án tham dự cuộc thi năm nay. “Tôi mong các em lưu giữ những hình ảnh đẹp trong cuộc thi này để tạo động lực, khát vọng trên con đường sắp tới” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhắn nhủ.

Ngô Thị Minh (Thứ trưởng bộ GD&ĐT) cũng đánh giá cao các dự án.

Danh sách các đơn vị đạt giải cuộc thi SV-STARTUP 2020:

- Khối sinh viên:

Giải Nhất: Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Giải Nhì: Trường đại học Lâm nghiệp Hà Nội, trường đại học Mở Hà Nội.

Giải Ba: Trường đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Thuỷ lợi.

Giải Khuyến khích: Trường đại học Quốc tế - đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

- Khối học sinh:

Giải Nhất: Sở GD&ĐT Đắk Lắk.

Giải Nhì: Sở GD&ĐT Cần Thơ, Nghệ An.

Giải Ba: Sở GD&ĐT Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Lào Cai.

Giải Khuyến khích: Sở GD&ĐT Gia Lai, Yên Bái, Thái Nguyên, Ninh Bình.

Cẩm Mịch