Gia đình

Giây phút trùng phùng đầy nước mắt của người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc 24 năm

Gặp gỡ người thân sau 24 năm lưu lạc ở Trung Quốc, chị Lê Thị Lan không cầm nổi nước mắt. Đó là những giọt nước đắng cay xen lẫn hạnh phúc.


Mấy ngày nay, căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Liên (69 tuổi) trú xã Nghị Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An rộn rã tiếng cười của đông đảo bà con lối xóm. Bởi rất đông người đến chia sẻ niềm vui với gia đình khi người con gái đầu của bà, chị Lê Thị Lan (43 tuổi) về nhà sau hơn 24 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.

Trở về quê nhà sau nhiều năm, cảnh vật xung quanh đều đã đổi thay, chị Lan chỉ còn mang máng nhận ra gian nhà cũ và người mẹ của mình. Những người em, hàng xóm thân thiết túc trực bên cạnh song dường như chị Lan vẫn chưa thể định hình được.

Rất đông người tới chia vui với gia đình.

Theo lời kể của chị Lan, năm 1994, chị bị một người phụ nữ lừa bán cho một người đàn ông ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để làm vợ với giá 3.000 nhân dân tệ. Do không quen biết ai, lại bị ép uống thuốc gây “mất trí nhớ” trong thời gian dài nên mọi hình dung về quê nhà dường như không còn trong suy nghĩ chị.

Đắng cay hơn, chị Lan bị bán qua tay cho 2 người đàn ông mua về làm vợ và có 5 người con. “Không biết tiếng, tôi không biết đường tìm về nên cam chịu số phận, sau đó còn bị bán qua tay nhiều người đàn ông khác. Tôi nhiều lần muốn tìm đường về nhưng không được”, chị Lan nghẹn ngào kể.

Chị Lan kể về hành trình lưu lạc 24 năm.

Mãi tới vài năm gần đây, chị may mắn gặp và chung sống như vợ chồng với một người đàn ông khác. Người này tốt tính, chăm sóc chu đáo nên chị dần hồi phục trí nhớ.

“Đầu tháng 7/2019, tôi tình cờ biết một người phụ nữ Việt Nam cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Người này giúp tôi chia sẻ đoạn video lên mạng xã hội với hy vọng tôi có thể tìm thấy gia đình. Từ đó, tôi đã tìm thấy gia đình và quê hương của tôi”, chị Lan kể.

Người phụ nữ năm nào giờ đã thay đổi do sương gió.

Trong đoạn video clip lan truyền trên mạng, dù tiếng mẹ đẻ không rành rọt nhưng chị vẫn nhớ tên mẹ, tên cha và quê quán ở xã Nghi Thịnh. Từ đó, manh mối về gia đình dần được sáng tỏ bởi người thân ở quê nhà biết được chị Lan vẫn còn sống.

Thắp nén hương trên bàn thờ bố và em trai đã khuất, chị Lan cho hay, trước mắt chưa có dự tính gì, chỉ muốn ở với mẹ cho thỏa những năm xa cách. Mòn mỏi ngóng con đã hơn 24 năm qua, những giây phút này bà Nguyễn Thị Liên cứ ôm con rồi khóc. Nay dù thấy con bằng xương bằng thịt, bà Liên không tin nổi đó là sự thật.

2 mẹ con ôm nhau không rời.

Ông Lê Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ xuống chia vui với gia đình, động viên chị Lan sớm hòa nhập với xã hội. Đồng thời, đơn vị cũng gấp rút hướng dẫn chị Lan hoàn thiện các giấy tờ cần thiết để làm lại CMND, bổ sung vào hộ khẩu gia đình”.