Đối thoại

Giấy phép lái xe cấp trước năm 2012 bắt buộc đổi sang thẻ nhựa?

Bộ Giao thông vận tải khẳng định không bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe cấp trước năm 2012 sang thẻ nhựa.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Công văn số 976/BGTVT-VT, trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về việc thay đổi giấy phép lái xe cho những trường hợp được cấp trước năm 2012.

Nội dung kiến nghị như sau: “Về việc thay đổi giấy phép lái xe cho những trường hợp được cấp trước năm 2012, cử tri cho rằng cần có lộ trình phù hợp hơn, tạo thuận lợi cho người dân”.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT cho biết, theo Quyết định số 1207/QĐ-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định: “Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET theo mẫu quy định tại Thông tư số 35/2010/TT-BGTVT ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GTVT, được đưa vào sử dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 và áp dụng cho các trường hợp: cấp mới, cấp đổi cho người có giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng; cấp lại cho người có giấy phép lái xe bị mất, hỏng”.

Do đó, đối với giấy phép lái xe ô tô vật liệu giấy bìa được cấp trước năm 2012 đều đã được cấp đổi theo thời hạn ghi trên giấy phép lái xe. Giấy phép lái xe mô tô/xe máy vật liệu giấy bìa được cấp trước năm 2012 (trên giấy phép ghi: không có thời hạn). Theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ quy định: “Việc đổi giấy phép lái bằng giấy bìa sang giấy phép lái bằng vật liệu PET được khuyến khích thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2020”.

"Do đó, đối với giấy phép lái mô tô/xe máy thì không có quy định bắt buộc người dân phải thực hiện việc đổi giấy phép lái xe", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Quy định về phân hạng giấy phép lái xe theo Luật Giao thông đường bộ 2008

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, giấy phép lái xe được phân chia thành 11 hạng. Trong số này, 3 hạng giấy phép lái xe không có thời hạn.

Thứ nhất, giấy phép lái xe không thời hạn bao gồm các hạng sau đây:

- Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3.

- Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

- Hạng A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

Thứ hai, giấy phép lái xe có thời hạn gồm các hạng sau đây:

- Hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000 kg.

- Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

- Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg.

- Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2.

- Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.

- Hạng E cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D.

- Giấy phép lái xe hạng FB2, FD, FE cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng B2, D, E để lái các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng này khi kéo rơ moóc hoặc xe ô tô chở khách nối toa; hạng FC cấp cho người lái xe đã có giấy phép lái xe hạng C để lái các loại xe quy định cho hạng C khi kéo rơ moóc, đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

T.M