Giáo dục

Giáo viên mầm non có bằng cao đẳng trở lên mới được thi viên chức?

Giáo viên phải có bằng cao đẳng sư phạm mầm non trở lên thì mới đủ điều kiện để tham gia kỳ tuyển dụng viên chức của địa phương tổ chức.

Theo báo Hà Nội Mới trước câu hỏi của nhiều giáo viên về việc đã có bằng trung cấp sư phạm mầm non và đang học lên đại học thì có được dự tuyển viên chức hay không, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản hồi.

Cụ thể, theo Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non. Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Đáng chú ý, trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Căn cứ vào quy định trên, trước thời điểm Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành, những giáo viên mầm non có trình độ trung cấp vẫn đủ điều kiện về trình độ chuẩn được đào tạo để tham gia kỳ tuyển dụng viên chức giáo viên của địa phương tổ chức.

Tuy nhiên, sau ngày 1/7/2020, giáo viên mầm non thuộc đối tượng thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Chính phủ để đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên theo từng cấp học. Theo đó, giáo viên phải có bằng cao đẳng sư phạm mầm non trở lên thì mới đủ điều kiện để tham gia kỳ tuyển dụng viên chức giáo viên của địa phương tổ chức.

Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non được quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ và tiến hành từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.

Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm

Theo báo Chính Phủ, khi các Thông tư số 01-03 được địa phương triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc như: Giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp hạng II mới thì được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10), tuy nhiên, Thông tư số 01 chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này.

Giáo viên tiểu học, THCS khi đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0) thì những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, lấy ý kiến của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông và quyết định vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Đặc biệt, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 02 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Trúc Chi (t/h)