Xã hội

Giáo viên mầm non chật vật mưu sinh chờ ngày được quay lại trường

Dù khó khăn nhưng nhiều giáo viên mầm non vẫn đang cố gắng bám trụ lấy nghề trong bối cảnh dịch bệnh.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh hôm 7/10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Hồ Chí Minh cho biết dự kiến đầu tháng 1/2022 sẽ cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 8/10, có 23 tỉnh, thành đã cho phép 100% học sinh các cấp đến trường, 9 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, 31 tỉnh thành cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình. Riêng với mầm non chưa có kế hoạch cụ thể khi nào học sinh được đến trường. Điều này dẫn tới những khó khăn không nhỏ với các cô giáo mầm non.

Chật vật mưu sinh chờ ngày được quay lại trường

Chia sẻ về những khó khăn của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay, cô Nguyễn Minh Thúy, giáo viên Trường mầm non Tuổi thơ tài năng, Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Từ đầu đợt dịch đến nay, tôi vẫn ở nhà và chờ được quay trở lại trường làm việc. Những tháng đầu tôi cũng có nhận được hỗ trợ từ nhà trường, và các gói trợ giúp theo quy định, nhưng hiện nay thì không.

Các giáo viên vẫn cố gắng xây dựng những bài giảng ngắn, tổng hợp những hoạt động trước kia của nhà trường cũng như của các em học sinh để duy trì hoạt động của trang web của trường. Chúng tôi rất mong sớm được quay lại làm việc để đảm bảo cuộc sống”.

Thay vì dạy online các cô giáo xây dựng các video để kết nối với học sinh

Trao đổi với Người Đưa Tin, cô Hứa Trúc Nghĩa, giáo viên mầm non Trường Golden Wall, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Gia đình mình gồm 4 người, 2 con đang học cấp 1, chồng làm xe ôm nên cả hai vợ chồng đều thất nghiệp từ khi giãn cách đến nay. Quê gốc ở Tuyên Quang, lại chưa có nhà riêng nên mỗi tháng ngoài tiền sinh hoạt thì mình vẫn phải trả hơn 2 triệu tiền thuê nhà.

Dịch bệnh từ năm ngoái khiến công việc mình đã không ổn định, thời gian đầu nghỉ dịch chồng mình vẫn túc tắc làm được, còn mình thì cũng cố gắng bươn trải để lo các chi phí, cũng xin làm cộng tác viên cho một số nơi. Nhưng đợt dịch lần này, từ lúc Hà Nội giãn cách toàn xã hội, gia đình tê liệt hoàn toàn. Năm học mới cần mua sách vở cho con, tiền điện nước vẫn đóng, tiền nhà vẫn phải trả nên mình cũng nghĩ cách bán hàng thử”.

Cô Nghĩa cũng cho biết thêm, chỉ một số ít các cô giáo trong trường được phân công xây dựng những bài giảng ngắn cho học sinh, còn hầu như các cô không có công việc gì làm để bớt nhớ nghề. Dẫu vậy, cô dự định rằng sau khi hết dịch vừa làm cô giáo, cô vừa bán hàng online kiếm thêm.

Trong khi đó, để giải quyết khó khăn, cô Đào Ngọc Thắm, giáo viên mầm non tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM lại quyết định về quê để ổn định cuộc sống. “Mình làm việc ở trường ngoài công lập mà lại mới thay đổi chỗ làm nên chưa có hợp đồng lao động và chưa được đóng bảo hiểm, nên khi thất nghiệp do dịch cũng không được hỗ trợ nhiều.

Hiện nay, mình đang chờ xe để được về quê, vì còn phải nuôi con nhỏ, hơn nữa cũng không đủ tiền thuê nhà để ở lại Thành phố. Về đến quê lúc đấy mình sẽ tính tiếp, có thể sẽ kiếm nghề khác ổn định hơn là đi dạy học”, cô Thắm chia sẻ. 

Các cô giáo phải tìm các nguồn thu nhập khác thay vì trông chờ vào hỗ trợ trong thời gian nghỉ dạy do dịch bệnh. 

Chia sẻ với Người Đưa Tin, cô giáo trẻ Bùi Nguyễn Thanh Ngọc làm việc tại trường mầm non ở Quận 8, Tp.Hồ Chí Minh kể: “Em cũng có nhận được 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ, nhưng nghỉ mấy tháng nay cũng không đủ. Tiền trọ thì được giảm 500.000 nghìn mỗi tháng, nên cũng phải bán hàng kiếm thêm. Nhưng sau khi nới lỏng giãn cách, mọi người được mua sắm thoải mái hơn, thì em cũng không bán được mấy”.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp cô giáo mầm non đang phải chật vật tìm cách kiếm thêm thu nhập khi chưa biết ngày nào mới được quay lại trường học. 

Thấu hiểu nhưng chỉ có thể chia sẻ phần nào

Trong đợt dịch bệnh này, không chỉ có giáo viên mầm non còn rất nhiều người cũng rơi vào cảnh khó khăn. Vì vậy rất cần có sự thông cảm lẫn nhau để cùng vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện hệ thống Trường mầm non tư thục Bầu trời xanh (Blue Sky Kindergarten), quận Bình Thạnh, Tp.HCM cho biết: “Các giáo viên hay chọn việc bán hàng online, tự bán hàng tại nhà để chờ đợi mở trường và quay trở lại làm việc. Đa số các cô giáo vẫn muốn ở lại với nghề.

Nhà trường chúng tôi vẫn xây dựng những bài học, chương trình dạy thông qua các video để giáo viên có thể tương tác với học sinh. Các giáo viên vẫn đồng hành cũng nhà trường để hoàn thiện những chương trình trên. Ngoài ra, khi có nhiệm vụ được giao trong quá trình giãn cách ở nhà, các giáo viên vẫn hoàn thành tốt công việc của mình.

Về phía nhà trường, trong tình hình dịch bệnh, cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên vẫn cố gắng đồng hành, hỗ trợ phần nào với các giáo viên. Những giáo viên đóng bảo hiểm xã hội, chúng tôi cũng nhanh chóng hoàn thành các thủ tục giấy tờ để các thầy cô được nhận trợ cấp. Ngoài ra, cũng có những khoản hỗ trợ riêng, có phần quà cho các cô và theo khảo sát, các giáo viên cũng khá hài lòng trước sự giúp đỡ của nhà trường”.

Các trường mầm non hiện nay cũng mong đến ngày được hoạt động trở lại vì đang phải chịu những khoản phí về cơ sở vật chất, hỗ trợ công nhân viên, phí duy trì hoạt động mà không có nguồn thu nào để trang trải.

Được quay trở lại dạy học là niềm mong mỏi của giáo viên và nhà trường

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thanh Hà, Trưởng phòng quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “Công đoàn cũng nhận thấy những khó khăn của đội ngũ giáo viên mầm non, khi so với các khối học khác, các thầy cô không được dạy trực tuyến. Hoạt động dạy trực tuyến ít nhiều cũng giúp giáo viên có công việc, và bớt nhớ nghề, nhớ học trò.

Từ khi thực hiện việc giãn cách xã hội đến nay, chúng ta cũng có rất nhiều các gói hỗ trợ cho các cô như Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Ngoài ra, tổng Liên đoàn cũng đã có những kiến nghị với Chính phủ để đảm bảo quyền lợi cho các cô giáo. Và tùy từng địa phương, công đoàn cũng sẽ có những gói hỗ trợ riêng, nhưng thực tế phía công đoàn cũng không có nhiều nguồn ngân sách, phần lớn hỗ trợ vẫn phụ thuộc vào Chính phủ.

Tùy theo tình hình dịch, sẽ có những bước hỗ trợ, các gói an sinh tiếp theo. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những sự giúp đỡ phần nào cho các cô, vẫn cần có những sự tham gia của nhà trường và các bên liên quan để giữ chân người lao động”.

Giáo viên mầm non là một nghề đặc thù, bởi ngoài kỹ năng sư phạm thì cần phải yêu nghề, mến trẻ mới có thể bám trụ lấy nghề. Điều này có lẽ càng khó khăn hơn trong tình hình dịch bệnh, nhưng tín hiệu đáng mừng phần lớn các cô giáo vẫn muốn ở lại với nghề dù còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, vẫn cần có những sự quan tâm hơn đối với nhóm đối tượng này.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Tp.HCM, tính đến ngày 11/9, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động ngành giáo dục Thành phố bị mất việc làm là 12.341 người. Trong đó, bậc mầm non ảnh hưởng nhiều nhất với 10.129 người (chiếm 82,08%) bị hủy hoặc hoãn hợp đồng.