Giáo dục

Giáo viên đến từng nhà, vận động từng em học sinh tới trường học chữ

Mới ra khỏi rừng, các em học sinh vẫn rất nhút nhát không dám đến trường. Vì vậy, các thầy cô đã chia nhau đến từng nhà để vận động học sinh tới lớp.

“GIEO CHỮ” CHO NHỮNG MẦM XANH TRONG ĐẠI NGÀN

Sinh ra và lớn lên trong rừng sâu nên các em nhỏ người dân tộc Đan Lai gặp nhiều khó khăn trong việc học hành. Sau khi các em đến khu tái định cư, thầy cô đã nỗ lực giúp đỡ các em tiếp thu kiến thức và cả rèn luyện kỹ năng sống.

Hành trình đưa học sinh đến trường

Cùng với cả nước, sáng 29/8, học sinh người Đan Lai vui vẻ, háo hức đến điểm trường Pá Hạ, tiểu học Thạch Ngàn 2, xã Thạch Ngàn, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An, sau 3 tháng nghỉ hè để chuẩn bị cho năm học mới.

Nhìn các em học sinh đến đông đủ, thầy Nguyễn Duy Linh, Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Ngàn 2 không khỏi xúc động. Bởi chỉ cách đây 3 năm, nhà trường mới có đúng 7 học sinh người Đan Lai đến lớp.

Điểm trường Pá Hạ, tiểu học Thạch Ngàn 2, xã Thạch Ngàn nằm giữa đại ngàn.

Đan Lai là tộc người chỉ phân bố tại tỉnh Nghệ An, sinh sống tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Cuộc sống biệt lập trong rừng sâu nên những đứa trẻ sinh ra không được đi học. Không những vậy, nhiều hủ tục như hôn nhân cận huyết đã khiến cho tộc người này đứng trước những nguy cơ.

Chính quyền địa phương đã vận động, đưa họ ra khỏi rừng, hòa nhập với cộng đồng. Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

Tháng 7/2019, có 22 hộ dân với 75 nhân khẩu thuộc tộc người Đan Lai đã rời vùng lõi nơi đại ngàn về sinh sống tại khu tái định cư bản Pá Hạ, xã Thạch Ngàn, đánh dấu mốc lịch sử đối với những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như lực lượng biên phòng.

Đây là nơi dành cho các em học sinh người Đan Lai học tập sau khi rời khỏi vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

“Chỉ sau đó hơn 1 tháng, năm học mới cũng bắt đầu. Cũng vì vậy, các giáo viên đã nhanh chóng chia ra đến từng gia đình để vận động họ đưa con em tới trường. Phải học cái chữ thì mới thay đổi được cuộc sống, tiếp cận khoa học kỹ thuật được”, thầy Linh nhớ lại.

Tuy nhiên, thực tế khác xa với suy nghĩ, bởi rất ít người đồng ý cho con em đến trường. Ngoài ra, do sống biệt lập trong rừng sâu nhiều năm nên tâm lý các em cũng rất tự ti, ngại giao tiếp, ngại đến trường học chữ.

“Quá trình thuyết phục không hề dễ dàng vì phụ huynh vẫn còn e ngại khác biệt văn hóa, ngôn ngữ. Mặc dù cơ sở vật chất điểm trường nơi tái định cư được xây khang trang, sạch đẹp, khoảng cách gần, thuận lợi cho việc học tập. Nhà trường cũng cam kết giáo viên sẽ quan tâm đến mỗi học sinh. Tuy nhiên, năm học đầu tiên vẫn có rất ít học sinh”, thầy Linh nói.

Lễ khai giảng đầu tiên của các học sinh người Đan Lai tại khu tái định cư. Ảnh GVCC.

“Sáng kiến” giúp học sinh bước ra thế giới biệt lập

Trước lễ khai giảng năm học 2019 – 2020, chỉ có 7 em học sinh người Đan Lai tại điểm trường mới, được xây dựng cho con em khu tái định cư. Lúc này, Ban giám hiệu đã tổ chức buổi họp để tìm cách vận động học sinh đi học.

Để giúp học sinh sớm hòa nhập, tạo không khí học tập, Ban giám hiệu đã có một “sáng kiến”, đó là quyết định vận động thêm 16 học sinh điểm trường Kẻ Tắt (nằm phía ngoài khu tái định cư 3km) về học cùng.

“Vậy là lễ khai giảng năm đó được tổ chức từ ngày 4/9, với 24 học sinh cả người Thái lẫn Đan Lai. Thầy cô giáo đã vận động các nhà tài trợ và góp thêm tiền để mua tặng đồng phục, sách vở cho học sinh, nhằm giúp các em thêm niềm vui, háo hức”, thầy Nguyễn Duy Linh nhớ lại.

Tại điểm trường Pá Hạ có 5 lớp từ 1 – 5 gồm học sinh người Đan Lai và người Thái.

Điểm trường mới có đủ lứa tuổi từ lớp 1 - 5, nhưng phải học ghép. Đến năm học 2020 - 2021 nhà trường tiếp tục vận động thêm học sinh điểm trường Kẻ Tắt sáp nhập vào Pá Hạ. Đến lúc này, học sinh Kẻ Tắt, Pá Hạ đã cùng về học chung với nhau, gồm 59 em, trong đó có 14 em người Đan Lai.

“Những học sinh có bạn mới, dễ làm quen, dễ giao tiếp với nhau. Đó cũng là cách giúp học sinh Đan Lai mạnh dạn hơn, bước ra khỏi thế giới biệt lập của mình. Nhà trường cũng xóa bỏ được lớp ghép, nâng cao chất lượng dạy học”, Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Ngàn 2 vui vẻ cho hay.

Các em học sinh đến đông đủ ngày tựu trường là niềm vui của các giáo viên.

Theo lời thầy Lê Thanh An, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, có được sự đổi thay đáng mừng như trên là dựa vào nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, giáo dục và đặc biệt là các thầy cô “cắm bản”.

“Ban đầu rất nhiều học sinh không chịu đến trường. Vì vậy, chúng tôi quyết định kết hợp học sinh của điểm trường Pá Hạ và Kẻ Tắt với nhau. Các em khi thấy bạn đến trường thì sẽ có sự tự tin hơn để đến lớp. Bây giờ gần như các học sinh đến tuổi đều đã chịu đến trường, nhưng để có kết quả đó là một hành trình dài và vô cùng vất vả của các giáo viên nơi đây”, thầy An cho hay.

Ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Đến thời điểm hiện nay 100% các cháu người Đan Lai tại khu tái định cư Kẻ Tắt – Pá Hạ đến tuổi đều đã đến trường học. Có được thành công đó, phần lớn là nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của giáo viên”.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, hơn 800.000 học sinh của 1.500 trường học trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã tựu trường trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Ngày đầu tiên tựu trường diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. Theo kế hoạch, lễ khai giảng của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thống nhất tổ chức vào lúc 7 giờ 30 phút, ngày 5/9/2022.

Bài 2: Thầy cô tận tâm dạy chữ trên lớp, dạy kỹ năng sống giờ ra chơi