Thế giới

Giao tranh ác liệt ở Ukraine, nhiều nước yêu cầu EU làm một việc

Nhiều nước yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) bổ sung ngân sách hỗ trợ người tị nạn Ukraine trong bối cảnh giao tranh dữ dội ở nhà máy thép Azovstal.

Hành lang nhân đạo từ Mariupol

Các cuộc giao tranh tiếp tục nổ ra tại nhà máy luyện thép Azovstal ở thành phố Mariupol của Ukraine sau thời hạn ngừng bắn hôm 3/5.

Khói bốc lên từ nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quân đội Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã mở cuộc tấn công vào nhà máy thép Azovstal đang bị vây hãm, nơi tập trung lực lượng cố thủ của Kiev ở thành phố chiến lược Mariupol tại miền Nam.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ hy vọng, Ukraine và Nga có thể tổ chức "thêm nhiều khoảng dừng nhân đạo" để sơ tán người dân khỏi nhà máy cán thép Azovstal.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thư ký LHQ tại Moscow ngày 26/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, tất cả dân thường, nếu họ vẫn đang trú ẩn tại Azovstal, đều có thể tự do rời đi và các binh sỹ Ukraine phải để họ rời đi.

Ông Putin khẳng định, các hành lang nhân đạo của Nga từ Mariupol vẫn đang hoạt động và khoảng 130.000-140.000 người đã sử dụng hành lang này có thể tự do rời đi tới bất cứ nơi nào họ muốn - đến Nga hoặc Ukraine.

Về phía Ukraine, trước đó, ngày 1/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo công tác sơ tán đang diễn ra tại nhà máy thép Azovstal.

Trên Twitter, ông Zelensky nêu rõ: "Nhóm đầu tiên gồm 100 người vừa lên đường tới khu vực được (Ukraine) kiểm soát".

Dự kiến, những người này sẽ tới thành phố Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine vào ngày 2/5. Zaporizhzhia nằm cách Mariupol 220km về phía tây bắc.

Ông Petro Andryushchenko, một cố vấn của Thị trưởng Mariupol, thông báo hoạt động sơ tán này đã bắt đầu lúc 16h ngày 1/5 theo giờ địa phương (20h cùng ngày giờ Hà Nội).

Nhiều nước yêu cầu EU tăng ngân sách hỗ trợ người tị nạn Ukraine

Hãng thông tấn Séc (CTK) ngày 3/5 đưa tin, đại diện hàng chục quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cung cấp thêm tài chính để giúp giải quyết vấn đề người tị nạn từ Ukraine.

Trong bức thư chung gửi EC, các quốc gia trên đề xuất EU sử dụng các khoản dự trữ bất thường từ ngân sách hoặc EC cần linh hoạt hơn trong việc quản lý ngân sách trợ cấp quốc gia trong các quỹ liên kết. Nội dung thư nhấn mạnh các quốc gia EU ‟cần làm mọi cách trong khả năng vì Ukraine và người dân Ukraine trong thời điểm hiện nayˮ.

Bức thư có chữ ký của đại diện các chính phủ Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Croatia.

Theo nội dung thư, các chính phủ nêu trên đề xuất EU phê duyệt viện trợ khẩn cấp bằng ngân sách lấy từ Quỹ dự trữ đoàn kết và viện trợ khẩn cấp (SEAR) hoặc từ các khoản dự trữ khác trị giá hàng tỷ euro của EU.

Ngoài ra, số tiền chưa sử dụng đến thuộc ngân sách EU trong năm 2022 cũng có thể được huy động để viện trợ.

Đại diện các chính phủ EU cũng kêu gọi EC gia hạn thời hạn hoàn thành các dự án từ giai đoạn kết thúc Chương trình hỗ trợ của EU giai đoạn 2014-2020, qua đó cho phép các khoản trợ cấp được hoàn trả một năm sau đó.

Bộ trưởng Phát triển Khu vực của Séc Ivan Bastos nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến người tị nạn Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến những người thụ hưởng các dự án thuộc Chương trình 2014-2020, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu nguyên vật liệu và nguồn nhân lực khiến nhiều dự án khó hoàn thành đúng thời hạn.

EC đã cho phép các quốc gia thành viên EU sử dụng khoản tiền tồn trong giai đoạn thực hiện Chương trình hỗ trợ 2014-2020 để đối phó với làn sóng tị nạn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bastos, riêng đối với Séc, nguồn ngân sách do EU hỗ trợ là chưa đủ do Séc đã sử dụng gần hết số tiền được cấp, trong khi số còn lại không thể huy động do các điều khoản ràng buộc mang tính phức tạp và ngặt nghèo.

Được biết, kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine, đã có khoảng 5,5 triệu người tị nạn từ Ukraine di chuyển tới các quốc gia EU, chủ yếu là Ba Lan và các nước Đông Âu.

Minh Hoa (t/h)