Sự kiện

Giao mùa xuân hè số lượng bệnh nhân tăng đột biến: Bác sĩ cảnh báo lưu ý đặc biệt

Thời tiết nắng nóng, giao mùa xuân hè cũng là điều kiện xuất hiện nhiều loại bệnh lây nhiễm. Đặc biệt là các bệnh về mắt.

Các loại bệnh lây nhiễm mùa hè

TS.BS. Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) thông tin với PV về thời tiết xuân hè giao mùa bắt đầu, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện khám tăng lên rõ rệt. Từ 800-1000 ca nay tăng lên 1.600 ca và mùa hè tăng lên đến 3.000 người khám/ngày.

Nói về các loại bệnh lây nhiễm vào mùa hè, TS.BS. Hoàng Cương cho hay: “Mặt bệnh rất đa dạng, những loại bệnh chuyển mùa chủ yếu là dị ứng, miễn dịch liên quan đến thời tiết thay đổi, nếu bị dị ứng có thể là do không khí ô nhiễm, khói bụi đậm đặc, hoa nở có phấn hoa… Ngoài ra còn có thể bị viêm kết mạc dị ứng gọi là viêm kết mạc mùa xuân, hoặc dị ứng quanh năm gọi là viêm cơ địa”.

Bác sĩ Cương cho biết thêm mùa hè là mùa virus tấn công, nên có thêm các loại bệnh lây nhiễm: “Virus tấn công nhiều như chân tay miệng, thuỷ đậu, sởi… Ngoài gây bệnh toàn thân thì các loại bệnh cũng tấn công vào mắt. Viêm kết mạc do virus cũng tăng nhiều”.

TS.BS Hoàng Cương cho biết thời tiết giao mùa xuân hè số lượng bệnh nhân thăm khám tăng đột biến.

Theo bác sĩ Cương, các bệnh về mắt do côn trùng như: Con thiêu thân, con bọ tập trung quanh các nguồn sáng, đi đường không đeo kính dẫn đến côn trùng bay vào mắt, đau xót, dụi mắt gây chấn thương.

“Côn trùng tiết túc là loại có chân đốt và giác, ngạnh ở chân sắc nhọn gây chấn thương, sẽ gây đau đớn, khi dụi sẽ xiên sâu vào mô chéo, mô mềm, đốt chân vòi gẫy ra khi xiên thủng các mô; con vật chết sẽ gây ra các loại axit gây xót, bỏng và gây phù nề mi, sưng tấy, tiết dịch… nọc độc như nọc ong nọc kiến cũng gây phản ứng nhiều.

Đặc điểm, các vệt va đập trực tiếp là vết trượt, mi phù nề, kết mạc phù và xung huyết, thấy các mảnh chân vòi của côn trùng, lòng đen xước trợt bong từng mảng do côn trùng và dịch tiết, bệnh nhân sẽ bị đau đớn, khó mở mắt, nước mắt chảy giàn giụa, giảm thị lực, khi nhuộm màu thì sẽ hiện các vết thương rất rõ”, bác sĩ Cương cho biết.

Bác sĩ khuyến cáo

Liên quan đến bệnh về mắt do côn trùng, bác sĩ Cương cho hay khi bệnh nhân đến viện thăm khám thì chủ yếu là ứng phó sai cách đó là day dụi nhiều, tự vạch mắt tìm dị vật hoặc tra google cách chữa nhưng không những không khỏi mà bệnh càng nặng hơn.

“Tâm lý của người bị bệnh là tự ý điều trị bằng thuốc, polydexa, nemidexan… hoặc ra hiệu thuốc nghe tư vấn của người bán thuốc. Nhưng, khi có biến chứng mới đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám thì có biến chứng hoặc bị rất nặng. Vì thế, khi bị côn trùng bay vào mắt, phải rửa đúng cách bằng nước sạch, bằng việc xối nước vào mắt sẽ làm trôi các con vật hoặc chất độc ra”, bác sĩ Cương nói.

Bác sĩ thăm khám mắt cho bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, bác sĩ Cương lưu ý người dân không nên tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, đặc biệt sử dụng cortisol có thể gây tai biến.

“Tai biến do cortisol phổ biến nhất như: Hydorcortisol, dexamethasol, một số thuốc biệt dược khác fluametanol, metyl pretynodol là 4 loại hoạt chất chính dễ gây tai biến. Có thể pha đơn thuần, có thể trộn thêm cả kháng sinh.

Các hoạt chất này nếu dùng sai chỉ định sẽ gây biến chứng kéo dài. Tại chỗ thì gây bội nhiễm các chủng vi sinh vật khác, bình thường các chủng vi sinh vật khác không có ở mắt hoặc rất ít, nhưng dùng sai cách sẽ làm cho các tác nhân này bùng lên dễ nhiễm nấm, nhiễm virus herpes hoặc nhiễm vi khuẩn gây viêm mủ, loét, thủng, mù lòa”, bác sĩ Cương nhấn mạnh.

Để phòng các bệnh về mắt vào mùa hè, bác sĩ Cương khuyến cáo khi bị dị ứng, ngứa bệnh nhân nên tự giác đi khám ngay. Còn bị côn trùng bay vào mắt thì không nên day dụi nhiều, tự ý nhỏ thuốc mà cần đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.