Giáo dục

Giáo dục mầm non: Cần phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ

Việc chú trọng kỹ năng cho trẻ sẽ giúp các em phát triển tình cảm, thế chất, cảm nhận được thế giới xung quanh.

Giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội là một trong những lĩnh vực góp phần phát triển toàn diện cho trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Hoạt động tạo hình có một vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thốnghoạt động của trẻ ở trường mầm non và được coi là một trong những con đường cơ bản để tiến hành giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ ngay từ những năm đầu đời, đặc biệt là lĩnh vực phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội.

Thông qua tạo hình là con đường thuận lợi định hướng, phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, góp phần hình thành, phát triển nhân cách cho trẻ.

Phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ  

Thực tế cho thấy, trong quá trình dạy học, việc lựa chọn, kết hợp, sáng tạo những biện pháp mới của người giáo viên sẽ góp phần tạo nên hiệu quả giáo dục cao hơn.

Giáo viên là người cung cấp cho trẻ những kỹ năng tạo hình đơn giản, giúp trẻ thể hiện xúc cảm, tình cảm của mình về vẻ đẹp của thế giới xung quanh, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ hình thành tình yêu đối với vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và nghệ thuật.

Vì vậy nhằm phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội thông qua hoạt động tạo hình cho trẻ mẫu giáo là cách thức tổ chức các hệ thống tương tác giữa giáo viên và trẻ nhằm giúp trẻ đạt được mục tiêu giáo dục của nhà sư phạm.

Trẻ 5-6 tuổi do sự phát triển nhanh về thể lực, cơ bắp và độ khéo léo của vận động, trẻ mẫu giáo lớn đã có khả năng tạo nên các đường nét với tính chất khác nhau khá phức tạp. Cùng với sự tăng lên của kinh nghiệm, xúc cảm, tình cảm, trẻ bắt đầu nhận ra được sự hạn chế và vẻ thiếu hấp dẫn của các hình vẽ với những đường nét đơn điệu, sơ lược.

Phát triển kỹ năng cho trẻ mầm non vô cùng quan trọng.

Vai trò của hoạt động tạo hình

Hoạt động tạo hình có một vai trò rất lớn trong việc giáo dục tình cảm, đạo đức cho trẻ nhỏ. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là phản ánh các ấn tượng, kinh nghiệm từ thế giới xung quanh, đây còn là sự biểu lộ thái độ, tình cảm của trẻ đối với những gì mà chúng thể hiện.

Tham gia vào hoạt động tạo hình, trẻ có nhiều điều kiện tiếp thu các chuẩn mực thẩm mĩ đạo đức trong xã hội, trải nghiệm các xúc cảm, tình cảm trong giao tiếp, học hỏi về các kỹ năng xã hội và đánh giá các hành vi văn hóa xã hội qua các hình tượng, các sự kiện, hiện tượng được miêu tả.

Sự định hướng xã hội của hoạt động tạo hình làm cho trẻ luôn hướng tới những người khác như một thành viên của cộng đồng. Coi sự thể hiện trong hoạt động tạo hình là phương tiện giao tiếp, trẻ luôn mong muốn được người khác tiếp nhận và hiểu được ý nghĩa của những hình ảnh mà chúng đã tạo nên, luôn chờ đón những ý kiến, những lời động viên từ phía người khác và sẵn sàng biểu lộ thái độ tích cực đối với hoạt động khi có được sự đồng tình, đồng cảm.

Sự định hướng xã hội của hoạt động tạo hình, thể hiện rõ ở nội dung miêu tả: những gì trẻ phản ánh trong sản phẩm tạo hình là những sự vật, hiện tượng gần gũi trong thiên nhiên và cuộc sống xung quanh; những gì làm trẻ rung động, suy nghĩ, những gì gợi cho trẻ tình cảm yêu, ghét,… Như vậy, nội dung của hoạt động tạo hình là con đường dẫn dắt trẻ nhanh chóng hòa nhập vào xã hội xung quanh.

Muốn vậy, giáo viên cần xây dựng môi trường tạo hình theo chủ đề và các sự kiện trong năm học. Chú trọng mục tiêu giáo dục tình cảm và kĩ năng xã hội qua tổ chức các hoạt động tạo hình; tận dụng các tình huống trong quá trình tổ chức hoạt động tạo hình để phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội cho trẻ.

Có thể coi đây là một trong những cách thức tối ưu góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ, đặc biệt là phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ. Giúp trẻ dễ dàng hoà nhập, thích ứng với cuộc sống, đặc biệt là tiền đề quan trọng giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1.

Hoàng Thị Quynh