Giáo dục định hướng phát triển thi cử đến bao giờ?

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được coi là kỳ thi mà giáo viên và học sinh mệt mỏi nhất trong những năm đổi mới thi cử vừa qua. Vì ngoài việc học sinh phải thi tổ hợp, thi trắc nghiệm, học sinh lớp 12 còn phải ôm đồm kiến thức của cả lớp 11.

Mặc dù theo ma trận ra đề phần kiến thức lớp 11 chỉ chiếm 20 – 30% nhưng học sinh phải học 100% kiến thức này mới làm được bài.

Nếu trước kia học sinh chỉ cần học tập trung 3 môn cho thi đại học thì bây giờ phải học và thi 6 môn với kiến thức tăng nặng gấp đôi. Hơn nữa mức độ phân hóa tăng lên, đề khó hơn mà thời gian làm bài lại giảm xuống.

Nhiều đề thi trắc nghiệm giáo viên lấy từ câu hỏi tự luận đòi hỏi nhiều thời gian suy luận làm bài qua nhiều bước. Học sinh truyền nhau cách làm mẹo, cách bấm máy tính nhanh để ra đáp án mà không còn biết cách diễn giải đi đến đáp án.

Môn Ngữ văn là môn học tự luận duy nhất mỗi năm giáo viên và học sinh lại chạy theo máy móc một dạng đề, một cách đặt câu hỏi trong đề minh họa. Các diễn đàn học tập chỉ thấy chia sẻ hàng trăm các dạng đề, công thức làm bài để đối phó với thi cử. Học sinh cũng trải qua không ít các cuộc thi thử để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.

Ở cấp THCS, kỳ thi tuyển sinh cũng cam go không hề kém. Các hình thức xét tuyển, thi cử thay đổi nhau theo từng năm. Thi học sinh giỏi cộng điểm hay không cộng điểm là tùy theo quy định. Thi tự chọn hay thi tổ hợp tùy từng tỉnh không năm nào giống năm nào. Trong khi mục tiêu chỉ là tuyển sinh, chuyển cấp, xếp lớp sao phải làm học sinh khổ đến vậy.

Trong khi, chương trình phổ thông mới chủ trương phân hóa từ lớp 10 sao còn bắt học sinh ôm đồm thi nhiều môn trong một tổ hợp. Giáo viên và học sinh mệt mỏi vì ôn luyện và thi cử với khối lượng kiến thức khổng lồ nên đâu có thời gian để thay đổi phương pháp và nội dung dạy học.

Giáo dục định hướng phát triển thi cử đến bao giờ? (Ảnh minh họa).

Chúng ta đều biết điểm yếu của giáo dục Việt Nam đó là thi gì học nấy, học chỉ để đi thi nên chỉ một thay đổi nhỏ trong cấu trúc đề thi, cách đặt câu hỏi thôi cũng làm giáo dục xáo trộn.

Mục đích của thi cử là điều chỉnh hoạt động dạy và hoạt động học, để người học đi đến đích một cách tốt nhất. Còn từ trước đến nay giáo viên và học sinh đều coi thi cử là đích đến cuối cùng. Mỗi lần đề thi thay đổi dù lớn hay nhỏ giáo viên phải dành thêm thời gian ra đề kiểm tra, ra đề thi, ra bộ đề, thay đổi giáo án trên lớp, tập huấn và ôn luyện.

Nhiều giáo viên phải dùng đến lời nói, hành động không đúng mực với học sinh chỉ vì học sinh không theo kịp chương trình thi cử, ảnh hưởng đến thành tích và xếp hạng của giáo viên.

Nhiều quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo còn khiến giáo viên băn khoăn vì tính đúng hướng của nó. Cụ thể như việc bắt học sinh lớp 12 thi THPT Quốc gia phải ôn tập kiến thức lớp 10, 11, 12 trong khi chuẩn kiến thức, kỹ năng, khung chương trình không yêu cầu học sinh học xong lớp 12 phải có được kiến thức của cả 3 lớp.

Khi học xong lớp 12, học sinh chỉ được rèn luyện và tích lũy kỹ năng của các lớp trước đó chứ không thể có được trọn vẹn kiến thức của cả 3 lớp. Vậy, liệu đề cuối năm thi lớp 11 có thể ra vào kiến thức các bài lớp 10 hay đề thi lớp 10 có kiến thức của các bài lớp 9 được không? Chương trình phổ thông mới định hướng phát triển năng lực chứ đâu ôm đồm quy định cả nội dung có định hướng phát triển thi cử, lấy thi cử làm trung tâm rồi xoay giáo viên, học sinh như chong chóng.

Chẳng cần nhìn đâu xa, các kỳ thi ngoại ngữ quốc tế không bao giờ quy định nội dung, giới hạn ôn tập mà chỉ quy định năng lực nghe, nói, đọc, viết tùy vào mục đích sử dụng của kết quả thi. Bởi vì, mục tiêu của các kỳ thi đó là giúp học sinh đạt được các kỹ năng đó nên học sinh không phải bắt buộc học nội dung nào, tài liệu nào.

Các câu hỏi được chuẩn hóa để mỗi tháng có thể thi một lần, kết quả có giá trị sử dụng nhiều năm và các năm đều ngang nhau. Điểm thi cũng được phân hóa rõ ràng với nhiều mức điểm, mức điểm này học sinh có thể làm được những việc gì. Sẽ không bao giờ có chuyện đề năm nay dễ đề sang năm khó, điểm 10 năm nay có giá trị hơn điểm 10 năm ngoái.

Thiết nghĩ nếu thi cử không giảm nhẹ mà càng ngàng càng tăng áp lực lên giáo viên, học sinh thì mục tiêu giáo dục không thể nào đạt được trọn vẹn. Nếu xác định mục tiêu thi cử để nâng cao thành tích, điểm số và vị trí xếp hạng tăng lên nhưng sản phẩm giáo dục không có giá trị thì cũng không thể thúc đẩy xã hội phát triển. Giáo dục đã quá mệt mỏi với thi cử, giáo viên và học sinh cũng chỉ biết im lặng để thực hiện những quy định của ngành mà chẳng thể thay đổi được gì.

Thanh Duy

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả