Giáo dục

Giáo dục bị nhiễu bởi cao đẳng nghề và cao đẳng "không nghề"

Theo chuyên gia, việc tập trung đào tạo cao đẳng hiệu quả sẽ đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao hiện nay.

Đến nay, vấn đề công tác quản lý nhà nước với hệ thống cao đẳng Bộ GD&ĐT đảm nhiệm hay Bộ LĐTB&XH vẫn là nội dung được quan tâm, bởi nhiều chuyên gia cho rằng khi chuyển đổi cơ quản quản lý gây không ít cản trở phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và phát triển nguồn nhân lực. 

Thống nhất một chương trình đào tạo

Trước nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có thống nhất các trình độ trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và cao đẳng theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Tuy nhiên, khi thiết kế trình độ cao đẳng lại không tiếp cận từ phía thị trường lao động để có chương trình hợp lý.

“Luật Dạy nghề 2006 đưa ra 3 trình độ đào tạo của dạy nghề (gồm: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề). Như vậy có nghĩa, cao đẳng nghề là một trình độ đào tạo của dạy nghề.

Điều này khiến hệ thống giáo dục bị “nhiễu” khi xuất hiện một bên là cao đẳng nghề, một bên là cao đẳng "không nghề" trong khi thị trường nhân lực thực chất chỉ cần một loại trình độ. Điều đó gây ra những vấn đề về tính thống nhất, tính hệ thống, liên thông và phân luồng”, ông Hoàng Ngọc Vinh đánh giá.

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng cần có sự thống nhất trong đào tạo.

Theo chuyên gia việc hợp nhất cao đẳng nghề và cao đẳng nên do một cơ quan là Bộ GD&ĐT quản lý có rất nhiều lợi ích.

Thứ nhất, khắc phục được yếu kém của mỗi trình độ cao đẳng. Một bên thì đào tạo quá hẹp, tập trung vào tay nghề (cao đẳng nghề), một bên quá tập trung vào lý luận do thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy thực hành.

Thứ hai, đảm bảo được tính chuẩn hóa của trình độ. Khi đó sẽ giúp dễ hiểu đối với người sử dụng lao động, dễ hội nhập quốc tế về giáo dục và trao đổi lao động theo hướng đổi mới giáo dục (chuẩn hóa, hiện đại hóa...).

Thứ ba, xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực và tập trung được nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng hiệu quả (tiết kiệm được nguồn lực đất đai vốn đang thiếu thốn, nguồn lực tài chính và sức người không dàn trải ở cùng một địa bàn).

Thứ tư, điều chỉnh xu hướng của đa số thanh niên chỉ muốn theo học hệ cao đẳng (thực tế cho thấy cao đẳng nghề không cần thi tuyển nhưng rất khó tuyển sinh, trong khi cao đẳng đã có nhiều năm thi tuyển khá cạnh tranh - cho thấy xu hướng lựa chọn lệch của thanh niên hiện nay).

Thứ năm, thực hiện liên thông và phân luồng học sinh dễ dàng hơn, do tính chuẩn hóa của trình độ và chương trình đào tạo cũng như đầu mối thông tin về một chỗ thì có điều kiện điều tiết được cơ cấu trình độ cao đẳng, đại học cũng như những chính sách khác.

Cần có tầm nhìn đối với giáo dục nghề nghiệp

GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam.

Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá việc xác định cơ quản quản lý của các trường cao đẳng, hệ thống đào tạo nghề chuyên nghiệp thể hiện định hướng của ngành giáo dục về sự nghiệp phát triển và tầm nhìn đối với giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

“Theo tôi, những nghề nghiệp cần được đào tạo chính quy, được Nhà nước đặt hành đào tạo bài bản thì cần do Bộ GD&ĐT quản lý”, chuyên gia nhận định.

Cụ thể, ông Phạm Tất Dong phân tích khi Bộ GD&ĐT quản lý chung sẽ tạo thuận lợi hơn cho người học, học sinh có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các trường THPT hoặc các trường trung cấp, trường nghề. “Sự thông nhất này làm giảm bớt đi lo lắng phải phân luồng sau cấp THCS, đối với các em trong quá trình học thấy mình không thể theo học văn hoá, muốn có việc làm ngay có thể chuyển sang học nghề và sau khi học xong vẫn có cơ hội được thi đại học”, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ.

Chuyên gia cũng đánh giá thêm không nên suy nghĩ Bộ LĐTB&XH phải phụ trách dạy nghề, việc đào tạo chính quy phải giao cho Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, những ngành nghề giản đơn có thể giao cho cộng đồng hoặc doanh nghiệp đào tạo trong quá trình tuyển dụng lao động.

Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 15/5/2023, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các trường đại học, và cho phép trường cao đẳng được tự đăng ký lựa chọn mô hình dạy nghề hoặc chuyên nghiệp.

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó. Điều này đang để lại hệ lụy như hạ chuẩn trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, hạn chế liên thông, triệt tiêu thế mạnh của các trường đại học định hướng ứng dụng, đặc biệt là các trường đại học địa phương.