Tài chính - Ngân hàng

Giao dịch rút tiền mặt qua ATM lần đầu tiên giảm

Việc thúc đẩy chuyển đổi số cùng với triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt giúp tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM liên tiếp giảm dần thời gian qua.

Giao dịch ATM giảm, xu hướng chuyển từ thẻ từ sang thẻ chíp

Tại Hội nghị tổng kết 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của NAPAS, bà Nguyễn Thị Hồng Quyên, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành NAPAS đã báo cáo tổng kết hoạt động 2021 và định hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. 

Trong năm 2021, NAPAS luôn bảo đảm cam kết về chất lượng dịch vụ (SLA) đạt 99,99% và năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đột biến về số lượng giao dịch trong ngày cao điểm hệ thống Napas đã xử lý hơn 11 triệu giao dịch/ngày.

Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 tăng trưởng 94% về số lượng giao dịch và 131% về giá trị giao dịch so với năm 2020.

Đặc biệt, giao dịch rút tiền mặt ATM xử lý qua hệ thống NAPAS trong năm 2021 lần đầu tiên giảm 5% so với 2020, qua đó thể hiện những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số.

Năm 2021 cũng là năm NAPAS phối hợp với các ngân hàng thành viên đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như: Cổng thanh toán trực tuyến NAPAS đã tích hợp với cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với 64 Bộ ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công cấp độ 4 cho doanh nghiệp, người dân; các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, thẻ trả trước nội địa…

Bên cạnh đó, sản phẩm chuyển tiền nhanh liên ngân hàng bằng mã VietQR được 14 ngân hàng đầu tiên triển khai vào 15/6/2021 và đến hết năm 2021 đã có 34 ngân hàng, chiếm 90% lượng giao dịch qua Napas. 

Để sớm đưa Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” của tội phạm thẻ và triển khai các quy định của Ngân hàng Nhà nước về chuyển đổi, thay thế thẻ từ sang thẻ chip, NAPAS đã triển khai chương trình hỗ trợ tổ chức thành viên chuyển đổi thẻ chip tiêu chuẩn thẻ chip nội địa với ngân sách là 132 tỷ đồng cho 38 tổ chức thành viên với 5,3 triệu thẻ và 9.300 POS.

Thanh toán không tiền mặt được ưu ái hơn?

Nhiều người dùng ưa chuộng các hình thức thanh toán như quét mã QR, ví điện tử, chuyển tiền qua mobile banking,...

Năm 2021, các dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, người dùng thẻ ngân hàng đã biết chi và tiêu qua app ứng dụng, thậm chí tiêu trước trả sau nhờ phát huy tối đa công năng dịch vụ tiện ích do tổ chức phát hành liên kết với các trung gian thanh toán mang lại. 

Bên cạnh đó, cũng trong năm vừa rồi, NHNN ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. 

Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số cùng với triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt đã dẫn đến tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM liên tiếp giảm dần trong thời gian gần đây. Không những thế, thói quen thanh toán của khách hàng đã thay đổi sau 2 năm Covid, chuyển sang thanh toán không tiền mặt. 

Ngoài ra, kể từ năm 2022, các ngân hàng liên tục thông báo miễn phí các giao dịch chuyển tiền như BIDV, Vietcombank,... 

Hay mới đây, 3 nhà mạng viễn thông lớn đã triển khai Mobile Money rộng khắp, cho phép người dùng có thể chuyển tiền, thanh toán mà không cần kết nối Internet, cũng không cần có tài khoản ngân hàng, phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa... 

Về việc rút tiền mặt trong dịp Tết năm nay, nhiều chuyên gia đã dự báo sẽ không nhiều như những năm trước. Nguyên nhân phần lớn là do dịch covid ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân; kèm theo đó là sự xuất hiện của biến chủng mới sẽ hạn chế việc mua bán trực tiếp mà thay vào đó là chuyển khoản, thanh toán online.