Tiêu điểm thế giới

Giáng sinh năm nay đã định, còn Giáng sinh năm sau thì sao?

Có vẻ như cuộc khủng hoảng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ “đánh cắp” Giáng sinh năm nay. Nhưng liệu những vấn đề này có được giải quyết vào đầu năm tới?

Một số nhà bán lẻ, nhà sản xuất và nhà kinh tế đều cảnh báo rằng những hạn chế của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không chỉ dẫn đến giảm giá ít hơn trong dịp lễ lớn nhất trong năm mà còn dẫn đến tình trạng khan hiếm sản phẩm trên các kệ hàng, theo CNN.

Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành và chuyên gia thị trường cho rằng điều tồi tệ nhất có thể kết thúc chỉ trong vài tháng nữa.

Những khó khăn rắc rối do đứt gãy chuỗi cung ứng gây ra sẽ là một kỷ niệm xa vời vào thời điểm này trong năm tới, CEO của JPMorgan Chase Jamie Dimon cho biết trong một cuộc họp trực tuyến về thu nhập với các phóng viên vào tuần trước.

“Khả năng rất cao là giờ này năm sau chúng ta sẽ không phải nói gì đến chuỗi cung ứng nữa”, Dimon nhận định.

Những người khác lưu ý rằng các công ty lớn và các nhà khai thác vận tải cũng đang thực hiện các bước để giảm bớt các vấn đề.

Jack Janasiewicz, chiến lược gia danh mục đầu tư tại Natixis Investment Managers, đã chỉ ra trong một email rằng, các “ông lớn” như Toyota, Samsung và Intel đang có kế hoạch tăng sản lượng trong vài tháng cuối năm, một phần là do mức độ sẵn có của các linh kiện chính đang ngày càng tăng.

Các cảng lớn như Long Beach và Los Angeles hiện cũng đang tìm cách duy trì hoạt động của mình 24/7 để giải quyết các vấn đề tắc nghẽn của chuỗi cung ứng.

Khả năng rất cao là mùa Giáng sinh năm sau không ai còn phải nói gì đến chuỗi cung ứng nữa. Ảnh: Penn Live

“Các vấn đề về tắc nghẽn có thể đã qua đỉnh điểm, với lưu lượng và khối lượng vận tải lớn hơn trong tương lai”, nhà phân tích Christian Wetherbee của Citi cho biết trong một báo cáo công bố tuần trước. "Điều này được thể hiện rõ qua những dấu hiệu ban đầu về tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở Mỹ và châu Á."

Trong khi đó, các giám đốc điều hành của Walmart, Target, FedEx và UPS đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cố gắng tìm ra giải pháp cho các vấn đề ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ và các hãng vận tải.

"Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị kéo giãn ra rất mỏng", các nhà phân tích tại Jefferies cho biết trong một báo cáo gần đây.

Họ cũng cho biết thêm rằng, "chúng ta có thể đã chứng kiến giai đoạn tồi tệ nhất của chuỗi cung ứng" và "tác động có thể sẽ giảm bớt" vào nửa đầu năm 2022.

Tình hình có thực sự lạc quan như mong đợi?

Nhưng có thể một số công ty và chiến lược gia đang quá lạc quan.

Lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng do các chậm trễ trong vận chuyển. Cũng có những lo lắng chính đáng rằng, các vấn đề sẽ dẫn đến giá cao hơn trong tương lai gần, và kết quả là một số bộ phận người tiêu dùng có thể trì hoãn việc mua các mặt hàng không thiết yếu.

Hơn nữa, vấn đề không chỉ là vận chuyển hàng hóa từ các nơi khác trên thế giới đến Mỹ. Các hãng vận tải nội địa có thể không có đủ năng lực để xử lý tất cả các gói hàng cần được chuyển từ các cảng đến các kho hàng và các cửa hiệu.

Chi phí vận chuyển cao hơn sẽ gây tổn hại cho các nhà đầu tư khi tỉ suất lợi nhuận thấp hơn, hoặc làm tổn thương người tiêu dùng khi giá sản phẩm tăng. Ảnh: USA Today

Ví dụ, Tập đoàn Danone Nutricia – nhà sản xuất sữa và thực phẩm có nguồn gốc thực vật hàng đầu châu Âu – đã cảnh báo về việc giá cả sẽ tăng cao hơn trong giai đoạn sắp tới trong một cuộc họp trực tuyến về doanh số với các nhà phân tích hôm 19/10. “Thủ phạm chính” của tình trạng này không ai khác ngoài các vấn đề liên quan đến vận tải đường bộ.

"Một phần của lạm phát mà chúng ta đang thấy trong nửa cuối năm nay là do căng thẳng về vận tải”, Juergen Esser, Giám đốc Tài chính, Công nghệ và Dữ liệu của Danone, cho biết.

“Đây là một điều cực kỳ rõ ràng vì chúng tôi thấy cước phí vận chuyển ở Mỹ đã ở một mức kỷ lục”.

Do đó, Esser cho biết, Danone có thể phải đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn khoảng 7-9%.

Điều đó hoặc sẽ gây tổn hại cho các nhà đầu tư khi tỉ suất lợi nhuận thấp hơn, hoặc làm tổn thương người tiêu dùng khi giá sản phẩm tăng.

Minh Đức (Theo CNN)