Góc nhìn luật gia

“Giang hồ nhí" hỗn chiến: Báo động gia tăng tội phạm vị thành niên

Do mâu thuẫn, Long “Sáu vú” cùng anh ruột và gần 20 người hẹn Út Lượm tại bãi đất trống để quyết chiến. Đa phần các đối tượng tham gia chưa đủ 18 tuổi.

Khởi tố nhóm “giang hồ nhí”

Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận 8 (TP.HCM) đã khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của 2 nhóm thanh niên tham gia đánh nhau trên đường phố tại phường 10, quận 8, TP.HCM.

Trước đó, khoảng 20h30 ngày 11/5, 2 nhóm thanh niên mang theo hung khí, chạy xe máy trên các tuyến đường xung quanh khu vực cầu Chánh Hưng, phường 10, quận 8. 

Khi gặp nhau ở trước hẻm số 640 Hưng Phú, phường 10, quận 8, 2 nhóm dùng hung khí tự chế chém nhau loạn xạ. Hậu quả, làm 3 người trọng thương.

Sau khi nhận được tin báo, Công an quận 8 lập tức tiến hành khám nghiệm hiện trường, rà soát camera ghi lại sự việc, truy xét đối tượng gây án.

Truy xét nhanh ngay trong đêm, Công an quận 8 yêu cầu Lương Minh Hiếu, SN 2004, ngụ phường 11, quận 8 tới trụ sở làm việc.

Đồng thời, làm rõ và lấy lời khai của 3 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Dinh (SN 2005), Trần Thanh Tú (SN 2004), cùng ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM và Lê Thanh Hiếu, SN 2004, ngụ quận 8 đang cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Trong 3 đối tượng vào viện cấp cứu, Nguyễn Văn Dinh bị thương nặng nhất.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng tiếp tục truy xét tìm ra nhiều đối tượng liên quan, tiến hành lấy lời khai của 8 đối tượng khác gồm: Nguyễn Thanh Tùng (SN 2006), Võ Nhật Quỳnh (SN 2005), cùng ngụ huyện Bình Chánh; Lê Thanh Hiếu (SN 2004), Nguyễn Văn Đạt (SN 2007), Phạm Hữu Huy (Tài Thiên, SN 2007), Lương Minh Hiếu (SN 2004), Trần Hoàng Long (Sáu Vú, SN 2005), Ngô Minh Tiến (SN 2004), cùng ngụ quận 8.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa Long và nhóm Út Lượm hành nghề xiếc lửa.

Sau khi điều tra làm rõ, Công an quận 8 khám xét tại địa chỉ số 158 Cao Xuân Dục, phường 12, quận 8.

Tại đây, lực lượng điều tra tịch thu thêm nhiều hung khí gồm 12 cây rựa, 5 dao tự chế, 2 cây chỉa do các đối tượng trong băng của Long cất giấu.

Hiện, Công an quận 8 đang hoàn tất thủ tục khởi tố các bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự, yêu cầu các đối tượng tham gia hỗn chiến còn lẩn trốn đến cơ quan công an đầu thú.

Nhiều đối tượng "giang hồ nhí" bị Công an bắt giữ.

Báo động tội phạm vị thành niên gia tăng

Nhiều báo cáo gần đây cho thấy, hiện tượng các đối tượng chưa thành niên tụ tập thành các băng nhóm để gây án đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Đây là một hiện tượng đáng lo ngại.

Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

“Đa phần các gia đình hiện nay sinh ít con nên thường chiều chuộng, tạo môi trường thoải mái, tự do cho con em. Đồng thời, tuổi trẻ thì hay tò mò, hiếu thắng, sôi nổi và bốc đồng nên các em rất dễ bị lôi kéo thực hiện những hành vi sai lệch.

Ngoài ra, xã hội ảnh hưởng một phần không nhỏ đến các em. Hiện nay, xuất hiện khá nhiều các hình ảnh tiêu cực, ảnh hưởng từ game, phim bạo lực.

Cùng với đó, lối ứng xử dùng bạo lực để giải quyết vấn đề càng ngày càng tăng. Chỉ cần một chút đụng chạm ngoài đường phố, người ta có thể nhào vô đánh đấm nhau. Thêm nữa, là ảnh hưởng từ bạo lực học đường, bạo lực gia đình…”.

PGS Trương Văn Vỹ cho rằng: “Trước hết các cấp chính quyền, các cơ quan lực lượng thi hành pháp luật phải có biện pháp răn đe, theo dõi và nhanh chóng giải quyết kịp thời các vụ việc.

Các em đang tuổi mới lớn còn hiếu thắng, do đó cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con cái mình. Bản thân các em cũng cần nhận thức được đầy đủ những việc mình làm, biết được hậu quả nghiêm trọng của những hành vi sai lệch để tránh hành động nông nổi.

Tôi nghĩ, để giảm thiểu trường hợp các em chưa vị thành niên phạm tội thì cần tổng hợp nhiều biện pháp mới có hiệu quả. Đôi khi mạnh ai người đó làm sẽ rất khó". 

Bom xăng.

Hung khí các đối tượng sử dụng đánh nhau.

Lý giải tội phạm nhí gia tăng

Về vấn đề xử lý tội phạm vị thành niên, Luật sư Trần Đình Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: “Pháp luật Việt Nam rất khoan hồng đối với những đối tượng dưới 18 tuổi, bởi vì họ chưa có đầy đủ nhận thức như người trưởng thành.

Các quy định pháp luật được thi hành đối vối họ trên nguyên tắc giáo dục giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm chứ không xử lý theo nguyên tắc trừng trị.

Bộ luật Hình sự Việt Nam không áp dụng hình phạt chung thân và tử hình đối với người chưa vị thành niên. Cho nên, trong các trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội vô cùng nghiêm trọng cũng không bị xử án tử hình hay chung thân.

Chẳng hạn như tội phạm Lê Văn Luyện giết 3 người và làm 1 người bị thương nặng. Luyện thực hiện hành vi phạm tội khi chưa tròn 18 tuổi nên tòa tuyên mức án cao nhất là 18 năm tù."

Trước tình hình tội phạm chưa vị thành niên càng phức tạpg, luật sư Dũng cũng bày tỏ thêm: “Theo tôi, tình trạng trên xảy ra càng nhiều thứ nhất là do pháp luật có cách xử lý tương đối nhẹ và có tính khoan hồng đối với người chưa vị thành niên.

Thứ hai, do internet, mạng xã hội phát triển quá nhanh tạo ra các môi trường thiếu lành mạnh cho giới trẻ hiện nay. Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật cho người dưới 18 tuổi còn yếu kém, gặp nhiều khó khăn".

Tại khoản 3, Điều 91 Bộ luật Hình sự có quy định: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Cùng với đó, tại khoản 5, Điều 91 của Bộ luật này cũng nói rõ: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Hồng Ngọc