Giáo dục

Gian lận thi cử: Xử lý chậm trễ, chưa tròn trách nhiệm ở địa phương

Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn ra, nhưng vụ gian lận thi cử gây rúng động dư luận năm trước vẫn chưa được xử lý triệt để. Nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đang băn khoăn và đặt dấu hỏi về tính công bằng, minh bạch của kỳ thi sắp tới.

Lơi lỏng trách nhiệm tại địa phương

Bày tỏ quan điểm về sự chậm trễ trong việc xử lý, khắc phục những gian lận thi cử ở kỳ thi trước, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Việc gian lận thi cử trước hết xuất phát lỗi từ ở địa phương, đặt một kỳ thi quan trọng như thế tại địa phương đã là một sai lầm. Hiện tại, bộ GD&ĐT đang xử lý rất nửa vời, vẫn còn những “kẽ hở”, thứ nhất là vẫn tổ chức kỳ thi tại địa phương, thứ hai là vẫn tổ chức thi tích hợp, không tách rời hai kỳ thi ra, sẽ còn “nhăm nhe” xảy ra sai phạm”.

“Khi xảy ra những sự vụ nghiêm trọng như thế này, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục tại địa phương, những lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, không thừa nhận, thì bản thân giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể đặt niềm tin vào các kỳ thi sau sẽ ổn hơn. Nếu thẳng thắn thừa nhận và tìm cách sửa chữa sai lầm thì mọi người sẽ bớt căng thẳng hơn. Cuối cùng, đưa ra cách tổ chức cụ thể để có thể đảm bảo an toàn cho kỳ thi sắp tới, để khẳng định niềm tin”, bà nhấn mạnh.

Kỳ thi THPT 2019 đang đến rất gần, nhưng vụ gian lận thi cử từ năm trước vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh minh hoạ

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Đúng là ngành giáo dục đang xử lý vụ này chậm quá, mùa thi THPT năm nay đang đến rất gần rồi, đáng lẽ phải xử lý dứt điểm, để mọi người lấy đó làm bài học mà tránh đi. Nhưng đáng tiếc là lại chậm trễ quá, tôi không rõ là nguyên nhân nằm ở đâu nhưng cũng cần phải xem lại trách nhiệm, không có vụ việc nào sai phạm nghiêm trọng như vậy mà lại để kéo dài hàng năm như thế này.

Hơn nữa, nếu mùa thi năm nay lại xảy ra gian lận, sai phạm chồng sai phạm, thì người ta sẽ đánh giá bộ GD&ĐT làm không nghiêm, không rút được kinh nghiệm. Tôi mới đọc được thông tin, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sử dụng công nghệ cao, nhưng nếu người gian lận lợi dụng được công nghệ đó thì sự vụ còn tinh vi hơn rất nhiều, nhưng chỉ hy vọng là năm nay không còn những sự việc như vậy nữa.

Kỳ thi THPT Quốc gia không thể hoãn được, mà bây giờ tổ chức kỳ thi mới trong khi cái cũ không kết luận được cũng sẽ gây nhiều lo lắng. Việc xử lý từng đối tượng, Bộ cũng chưa có ý kiến chính thức, càng tạo ra những ý kiến trái chiều, tự do ngôn luận, càng dẫn đến bất lợi cho ngành giáo dục”.

GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định: “Còn nhắc đến trách nhiệm địa phương, những người đứng đầu ngành không thể lơi lỏng trách nhiệm, phải đứng ra nhận trách nhiệm và có biện pháp khắc phục những hậu quả, tiêu cực năm trước. Giữa “tâm bão”, Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La còn xin nghỉ phép 8 ngày, đáng lẽ phải đứng ra xin lỗi công khai, xử lý rõ ràng sai phạm, giải đáp những khúc mắc của công chúng… từ trước đó để không gây bức xúc dư luận.

Ngành giáo dục đang xử lý chậm, không cương quyết. Nếu năm nay lại vấp phải thì không thể chấp nhận được!”.

Bộ GD&ĐT đang đánh mất niềm tin

TS. Vũ Thu Hương phân tích: “Tình trạng xử lý sai phạm các kỳ thi trước diễn ra đã quá lâu, khiến mọi người mất lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục Việt Nam.

Tuy thế, bộ GD&ĐT vẫn không giải quyết dứt điểm kỳ thi này mà vẫn để những vấn đề dây dưa. Dây dưa thứ nhất là về giải quyết sự vụ, lâu lâu lại có người bị lôi ra xử lý; thứ hai là không giải quyết triệt để và tận gốc vấn đề, chỉ có sự chắp vá. Kể từ khi gắn kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi đại học thì tôi thấy mỗi năm xảy ra một sự cố, nhưng vẫn không được xử lý tận gốc.

Mặc dù có thể yên tâm một phần, đó là vụ việc gian lận thi cử của kỳ thi vừa rồi mới được khui ra và đang tiến hành xử lý thì sẽ “dứt dây động rừng”, hy vọng sẽ tạm ngừng, hạn chế được những sai phạm trong kỳ thi sắp tới”.

GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định, những người đứng đầu ngành giáo dục, đặc biệt tại địa phương không thể lơi lỏng trách nhiệm.

TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng, để khắc phục những hậu quả và tạo niềm tin cho mọi người thì việc đầu tiên là phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm: “Chúng ta có thể để ý, bất kể một ai, nếu khi xảy ra sai lầm, họ can đảm và sẵn sàng đứng ra nhận sai lầm, nhận trách nhiệm và có biện pháp để khắc phục thì sự mất niềm tin sẽ là thấp nhất. Tuy nhiên, một điều khá là đáng buồn, đó là, khi xảy ra sai lầm như vậy, bộ GD&ĐT vẫn đang quy trách nhiệm cho từng cá nhân mà chưa nhận trách nhiệm này, nên bị mất niềm tin rất lớn”.