Hồ sơ điều tra

Gian lận thi cử tại Hà Giang: Không phụ huynh nào thừa nhận đưa tiền nhờ nâng điểm

Vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang bị phanh phui khiến dư luận không khỏi xôn xao. Song, không một gia đình nào thừa nhận có hành vi đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm cho con, em mình.

Thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, dự kiến trong tháng 7/2019 vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang sẽ được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, đến nay Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang chưa có lịch xét xử cụ thể.

Các bị can trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang

Liên quan đến vụ án, 5 bị can chuẩn bị đưa ra xét xử trước tòa gồm: Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (cựu Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính (2 cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang).

Theo truy tố, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị can Nguyễn Thanh Hoài (SN 1969, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Ủy viên ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia cấp tỉnh 2018; Phó Chủ tịch kiêm ủy viên thường trực Hội đồng thi; Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi; Phó trưởng ban thường trực Ban chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang) đã bàn bạc thống nhất với Vũ Trọng Lương (SN 1978, Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Phó ban Thư ký Hội đồng thi; Kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang) trong việc nâng điểm cho một số thí sinh.

Cụ thể, 2 bị can đã thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 môn trắc nghiệm, vi phạm quy chế thi.

Mặc dù Hoài không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm cho các thí sinh, nhưng Hoài đã đưa danh sách các thí sinh cần được nâng điểm cho Lương.

Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh, một mình Lương thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh.

Kết quả, Lương sửa kết quả bài làm 309 bài thi các môn trên 249 Ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Đối với Phạm Văn Khuông – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, phụ trách phòng Khảo thí và quản lý chất lượng (trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 không tham gia trong hội đồng thi) đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con. Kết quả con bị can Khuông được nâng 13,3 điểm.

Đối với bị can Lê Thị Dung – Phó đội trưởng Đội giáo dục đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang (Thường xuyên có mối quan hệ công tác giữa phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh và phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), do có mối quan hệ quen biết nên đã nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.

Đối với bị can Triệu Thị Chính (Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang; Phó Chủ tịch hội đồng thi; Trưởng Ban chấm thi) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi vi phạm quy chế thi, đã đưa 01 danh sách 13 thí sinh nhờ bị can Hoài nâng điểm môn Ngữ văn cho 12 thí sinh (01 thí sinh chỉ nhờ xem điểm). Giữa hai bị can đã thống nhất số điểm cần nâng đạt được. Tuy nhiên, vì lý do khách quan nên bị can Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm.

Điều đáng nói, trong quá trình điều tra, cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Cơ quan chức năng cũng đã đấu tranh với gia đình các thí sinh. Tuy nhiên, không một gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm.

Ngoài ra, lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ nhận giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Cơ quan công tố nhận định: Hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém. Từ đó, sẽ tác động đến đạo đức, không còn sự công bằng trong xã hội.

“Hành vi phạm tội của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dự luận xã hội, do đó cần phải xử lý về hình sự”, cáo trạng nêu rõ.