Giáo dục

Gian lận thi cử: Kiên quyết không "nương tay", xử lý cả cán bộ, phụ huynh và học sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý Chất lượng, bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc xử lý sai phạm trong vụ gian lận điểm thi phải dựa trên những chứng cứ xác thực về mặt pháp luật, học sinh, phụ huynh và cán bộ sai đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Trong buổi Gặp gỡ, cung cấp thông tin cho các phóng viên phụ trách lĩnh vực giáo dục sáng 11/5, tại Ninh Bình, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Quản lý Chất lượng, bộ GD&ĐT đã có những thông tin trao đổi liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Ông Mai Văn Trinh cho biết, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự cần xử lý, về mặt pháp lý, chưa thể xử lý khi chưa đủ chứng cứ. Vì thế, không thể xử lý dứt điểm khi chưa làm rõ và việc chứng minh là của cơ quan điều tra. Ông cũng khẳng định, nếu chứng minh được sai phạm của những thí sinh gian lận, sẽ xử lý theo quy chế mà cả về mặt pháp luật.

"Chúng ta không có lý do gì để bao che sai phạm mà phải bằng mọi giá xử lý. Những vụ gian lận thi cử từ cổ chí kim ở các nước đều được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Vì vậy chúng ta phải tìm cách chủ động xử lý, làm sao hạn chế thấp nhất những biểu hiện, hậu quả gian lận có thể xảy ra”, ông Trinh nhấn mạnh.

Ông Mai Văn Trinh cho biết, quan điểm của Bộ là không chấp nhận những giảng viên, giáo viên, cán bộ trong ngành sai phạm, cần phải yêu cầu địa phương đưa ra khỏi ngành.

Cục trưởng cục Quản lý Chất lượng, bộ GD&ĐT cũng cho biết thêm: “Việc xử lý sai phạm trên phải dựa trên những chứng cứ xác thực về mặt pháp luật, nhưng cũng phải nhấn mạnh, cần xử lý vừa nghiêm, vừa tránh các hành động cực đoan và tránh làm mất trật tự an toàn xã hội.

Đối với phụ huynh, cán bộ, cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành xác thực nếu có tội sẽ xử lý nghiêm. Học sinh liên quan đến đâu, phụ huynh, cán bộ liên quan đến đâu thì xử lý nghiêm một cách thích đáng. Quan điểm của Bộ là không chấp nhận những giảng viên, giáo viên, cán bộ trong ngành sai phạm, cần phải yêu cầu địa phương đưa ra khỏi ngành”.