Góc nhìn luật gia

Gian lận điểm thi: Xử lý nghiêm người "mua điểm" để lấy lại công bằng

Liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi, trong danh sách phụ huynh có con được nâng điểm thì chủ yếu là cán bộ. Vậy, những vị phụ huynh này có phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý như thế nào?

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến nay dư luận cả nước rúng động với hàng loạt bê bối gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điều khiến cho dư luận bức xúc hơn nữa là bởi con số các thí sinh được nâng điểm không phải chỉ một hay hai em mà lên tới hàng trăm thí sinh và hầu hết phụ huynh của các thí sinh này đều là những cán bộ nắm giữ chức vụ cao, có quyền hành lãnh đạo tại địa phương.

Từ sự việc gây ồn ào này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Luật, đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Thưa luật sư, phân tích dưới góc độ pháp lý thì hành vi của phụ huynh có con được nâng điểm có phải là một dạng tham ô, tham nhũng hay không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Luật phòng chống tham nhũng 2005 “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Như vậy, đối chiếu quy định của pháp luật hiện hành nếu phụ huynh dùng chức vụ, quyền hạn hoặc tiền bạc, vật chất của mình để gây ảnh hưởng với người khác với mục đích trục lợi, cụ thể ở đây là nâng điểm thi cho con mình thì hoàn toàn có thể là coi là một hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế trong vụ việc này sẽ không dễ để chứng minh được có hay không việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc sử dụng vật chất tiền, tiền bạc để tác động lên những đối tượng đã bị cơ quan công an khởi tố.

Do đó, để xác định đây có phải là một hành vi tham nhũng hay không thì có lẽ cần phải đợi kết quả điều tra, xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Nếu hành vi của những phụ huynh đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì lúc đấy sẽ bị xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Danh sách toàn bộ 44 thí sinh ở Sơn La có bài thi gian lận.

Vậy, nếu là tham ô, tham nhũng thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Hiện nay, pháp luật nước ta quy định khá đầy đủ, chặt chẽ về việc xử lý các hành vi tham nhũng, trong trường hợp này việc xử lý sẽ được thực hiện cụ thể như sau:

- Theo Điều 4, Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 thì việc xử lý tham nhũng sẽ thực hiện theo nguyên tắc:

“2. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

4. Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

5. Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện”.

Đối với người có hành vi tham nhũng:

Cá nhân có hành vi tham nhũng cũng sẽ bị xử lý kỷ luật, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà áp dụng các hình thức kỷ luật khác nhau, các hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc (Luật cán bộ công chức 2008)

Nếu hành vi vi phạm đến mức độ nguy hiểm cao, gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể là “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (Điều 358 BLHS 2015); “Tội đưa hối lộ” (Điều 364 BLHS 2015); hoặc “Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” (Điều 366 BLHS 2015). Tùy từng trường hợp, mức độ phạm tội và yếu tố cấu thành mà người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với những tội danh khác nhau.

Như vậy, người có hành vi tham nhũng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật; truy cứu trách nhiệm hình sự; trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc; đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân (Điều 69 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).

Đối với tài sản tham nhũng:

Trong trường hợp này, nếu cá nhân đã dùng tiền/ tài sản có giá trị khác để thực hiện hành vi tham nhũng thì tiền/ tài sản đó sẽ bị thu hồi. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng. Việc tịch thu tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (điều 70 LPCTN 2005).

Theo luật sư Nguyễn Văn Luật, hành vi nâng điểm, sửa điểm cần phải xử lý triệt để. Nếu xử lý nhẹ tay, cho có hình thức sẽ để lại một hệ lụy lớn sau này.

Theo luật sư, nếu xác định được hành vi của những người có liên quan, phụ huynh chạy điểm cho con thì sẽ xử lý theo điều luật nào? mức độ ra sao?

Đối với những người liên quan như: Người không báo cáo, tố giác khi biết được hành vi tham nhũng; người không xử lý báo cáo, tố giác, tố cáo về hành vi tham nhũng; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách;… thì cũng sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý như người thực hiện hành vi tham nhũng.

Về mặt nguyên tắc thì mức độ xử lý sẽ dựa theo hành vi của những người có liên quan, mối quan hệ nhân quả của hành vi đó. Tuy nhiên, thông thường, vì họ chỉ là người có liên quan, không phải là người trực tiếp thực hiện hành vi và vì lý do nào đó mà không ngăn cản người thực hiện hành vi nên biện pháp và mức độ xử lý đối với những người này so với người trực tiếp thực hiện hành vi thường nhẹ hơn.

Vụ việc này đã và đang gây xôn xao dư luận, theo quan điểm của cá nhân luật sư thì cơ quan chức năng có cần phải xử lý mạnh tay, công khai danh tính và công khai việc xử lý để làm gương hay không?

Theo tôi đây là hành vi cần phải được xử lý thật triệt để, bởi suy cho cùng mọi vấn đề liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước thì đều lấy giáo dục làm gốc. Nếu xử lý nhẹ tay, cho có hình thức sẽ để lại một hệ lụy lớn sau này, nó có thể trở thành một tiền lệ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu cực giáo dục phát triển.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta thử đặt mình vào địa vị của những thí sinh, phụ huynh khác thì sẽ cảm thấy thật bất công đến nhường nào khi công sức dùi mài kinh sử có thể mua được bằng tiền, điều đó sẽ dần hình thành lên một suy nghĩ, nhân cách xấu trong một bộ phận lớn cộng đồng.

Việc công khai danh tính và công khai việc xử lý trong thời điểm hiện nay có thể nói là mang sức nặng không kém những chế tài xử phạt của pháp luật. Tiếng nói dư luận xã hội sẽ có ảnh hưởng và tác dụng rất lớn tới việc điều chỉnh những hành vi vi phạm như trong trường hợp nêu trên.

Nó cũng góp phần rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định thực hiện lại hành vi này trong tương lai. Ngoài ra, việc xử lý nghiêm vấn đề này cũng sẽ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào một hệ thống pháp luật công bằng, công khai và hiệu quả.

Xin cảm ơn luật sư!