Giáo dục

Gian lận điểm thi: Phụ huynh không hối lộ, người chấm thi “tương tác” với ai?

Việc có nên công bố danh tính các thí sinh và xử lý phụ huynh liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia ra sao vẫn đang trở thành đề tài khiến dư luận tranh cãi. Dưới đây là quan điểm của một số ĐBQH xung quanh vấn đề này.

Cân nhắc mức độ, phạm vi công khai

Trước vấn đề này, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT đại học FPT nhận định: “Nếu xác định được các thí sinh gian lận thì hoàn toàn có thể công khai danh tính, còn trong trường hợp vẫn chưa xác định được lỗi sai thực sự của thí sinh, thì việc công khai danh tính là chưa khẩn thiết. Nếu có kết luận được thí sinh vi phạm, có sự đồng lõa với phụ huynh thì cần thiết công khai, thậm chí có thể đưa tên viết tắt trước.

Theo suy luận logic, có thể một số thí sinh vẫn biết mình có liên quan trong vụ gian lận, sau khi không làm được câu nào hết, mà tự nhiên thấy điểm rất cao, có lợi cho mình thì không nói gì, có thể phạm tội đồng lõa. Tuy vậy, thí sinh không phạm lỗi gian lận trong bài thi một cách trực tiếp nên kết luận phạm tội là không dễ.

Sau khi kết luận được lỗi sai thuộc về thí sinh thì việc công bố danh tính để trả lại sự công bằng cho các thí sinh khác là đúng”.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng: “ Việt Nam chưa có quy định rõ ràng để xử lý, vì vậy, nên có thêm phần ràng buộc nêu rõ trách nhiệm của gia đình, phụ huynh đối với việc học hành của thí sinh trong việc sửa đổi Luật Giáo dục.

Nếu công khai danh sách các thí sinh, cũng cần cân nhắc cách thức công khai, phạm vi công khai, ví dụ, có thể đưa danh sách trong một phạm vi nhất định đủ để răn đe và xử lý công bằng, không nhất thiết phải công khai chi tiết thông tin của từng thí sinh một cách rộng rãi trên truyền hình, mạng xã hội một cách quá rầm rộ.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cho rằng nên cân nhắc mức độ, phạm vi công khai các thí sinh.

Tuy nhiên, nếu cứ “ỉm” toàn bộ sự việc, nhiều thí sinh thực học bằng năng lực của chính mình, có kết quả tốt có thể sẽ lại cảm thấy hoang mang, tự ti, bất công vì xã hội bây giờ không còn phân biệt được chất lượng thật giả, sẽ mất niềm tin vào xã hội”.

Đồng tình với quan điểm đó, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên đại học Giao thông Vận tải cho rằng: “Việc công khai, minh bạch danh sách các thí sinh trong vụ gian lận thi THPT Quốc gia là cần thiết, để mang tính răn đe. Tuy nhiên, nên công khai ở một mức độ nào đó vừa phải, danh sách gửi về trường học hay các nơi có liên quan, hủy bỏ kết quả. Chúng ta có nhiều cách để công khai, và nên công khai ở một mức độ tế nhị hơn để có thể chỉ ra được sai phạm”.

Phụ huynh không hối lộ, người chấm thi “tương tác” với ai?

Theo TS. Lê Trường Tùng, có câu chuyện sửa điểm cũng xuất phát từ nhu cầu mong muốn sửa điểm của phụ huynh, từ những người trực tiếp vi phạm, vì vậy phải “xoáy vào” kết luận vi phạm của phụ huynh trước rồi mới xác định đến sai phạm của thí sinh.

“Về nguyên tắc, đưa tiền cho những người chấm thi, những người có trách nhiệm đã là tội hối lộ, cần điều tra làm rõ, căn cứ mức độ để xử lý. Tất nhiên, khi xác định được phụ huynh là người trực tiếp chi tiền cho những người có trách nhiệm để làm việc có lợi cho mình (nâng điểm cho con mình) và lại gây hại cho người khác (làm mất cơ hội vào trường của những thí sinh khác), thì mới có thể xử lý.

Một số phụ huynh có ảnh hưởng nhất định đối với những cán bộ chấm thi, bản thân người chấm thi thấy việc sửa điểm dễ dàng thì “nới tay” để nâng điểm cho con cái những phụ huynh đó. Mặc dù đó cũng là biểu hiện tiêu cực về tác động của quyền lực, nhưng trong trường hợp này, cũng chưa thể xác định được phụ huynh và thí sinh là người có lỗi”, ông khẳng định.

Theo TS. Lê Trường Tùng, có câu chuyện sửa điểm cũng xuất phát từ nhu cầu mong muốn sửa điểm của phụ huynh.

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh cũng phân tích thêm: “Trong vụ việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia, không thể phân biệt trách nhiệm của phụ huynh hay người nâng điểm, ai nặng hơn ai, khi vụ việc này do tác động của xã hội, bị đồng tiền chi phối. Vì mục đích trao đổi lợi ích riêng, có qua có lại, hối lộ tiền thì nâng điểm là cả hai bên cùng phải bị xử lý.

Người chấm thi đang là đối tượng trực tiếp thay đổi kết quả thi, tuy nhiên, không có phụ huynh hối lộ thì người chấm thi đâu có ai để “tương tác”, đâu việc gì phải mạo hiểm làm một việc nguy hiểm nghiêm trọng như vậy”.

Clip: Bộ GD&ĐT nêu quan điểm việc công bố danh tính thí sinh vi phạm: