Kinh tế vĩ mô

Giảm thuế xăng dầu sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%

Bộ Tài chính đã có đề xuất mức giảm thuế BVMT đối với xăng là 1.000 đồng, từ 4.000 xuống 3.000 đồng/ lít, dầu diesel giảm 500 đồng, còn 1.500 đồng/lít.

Chiều 3/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 2/2022. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp. Tại cuộc họp, đại diện hai bộ Công Thương và Tài chính đã có nội dung phản hồi liên quan đến tình hình giá xăng dầu trong nước thời gian tới.

Mức giá xăng đã tăng rất mạnh

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn do khó khăn về tài chính cũng như khó khăn nội tại của doanh nghiệp đã giảm công suất hoạt động. Chính vì vậy, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã có hợp đồng ký kết) giảm so với thoả thuận giữa các bên.

Theo kế hoạch, tháng 3/2022, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn được giao 680.000m3 xăng dầu nhưng dự kiến giao hàng chỉ có 540.000m3. Như vậy, kế hoạch giao chỉ đạt 80%. Đơn vị này cũng đã có cam kết, đầu tháng 4/2022 sẽ đảm bảo công suất hoạt động lên 100%.

Trước việc thiếu hụt xăng dầu từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn cho nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn nhất nhập khẩu, bổ sung lượng xăng, dầu thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước ngay trong quý II/2022 là 2,4 triệu m3, gồm 840.000m3 xăng và 1,56 triệu m3 dầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phạm Đông).

Thứ trưởng cũng cho biết, xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, phân bón. Chính vì vậy, trước việc đối diện với tình trạng đó, Bộ Công Thương sẽ cố gắng mức cao nhất để đảm bảo đáp ứng các mặt hàng, nhất là xăng dầu vì đây là mặt hàng rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Nói về mức giá xăng dầu hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh “mức giá đã tăng rất mạnh”. Câu hỏi đặt ra là có điều chỉnh giá xăng dầu có nhanh và sớm hơn bình thường không?

Thứ trưởng cho biết, việc điều chỉnh đã giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày một lần theo Nghị định 95. Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và hoạt động của người dân, liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh phù hợp.

“Chính Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nói rằng 2 ngày 1 lần, tổ công tác điều hành giá xăng dầu có đại diện là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải ngồi họp bàn với nhau để xem rằng có cần thiết báo cáo và trình lên Chính phủ việc điều chỉnh khác với quy định bình thường là 10 ngày 1 lần hay không”, ông nói.

Dự kiến giảm thuế 1.000 đồng trên mỗi lít xăng

Liên quan đến việc điều chỉnh thuế xăng dầu, nhất là thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay chiều nay (3/3), Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, VCCI, Hiệp hội Xăng dầu xin ý kiến đối với hồ sơ dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng. Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng mỗi lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng một lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng mỗi kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng một kg.

Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành, được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Với mức giảm thuế này, giá xăng (trừ etanol) có thể giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (gồm VAT). Giá mỗi lít dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả giảm tương ứng 550 đồng. Còn mỗi kg mỡ nhờn giá giảm 550 đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: Phạm Đông).

Nói về kịch bản sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương năm 2019 (trước Covid-19), Thứ trưởng cho biết ngân sách giảm thu 14.524 tỷ đồng một năm do giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu tính cả thuế giá trị gia tăng (VAT), ngân sách giảm thu khoảng 15.976 tỷ một năm (số giảm thu ngân sách bình quân mỗi tháng là hơn 1.330 tỷ đồng).

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu tháng 4 năm nay, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng (gồm thuế VAT).

“Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng, giảm giá xăng dầu sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi CPI.

Với giả thiết giảm thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm, việc giảm thuế có thể giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%”,  ông Chi nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, do việc giảm thuế là số tuyệt đối, chỉ số tiêu dùng là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.

Tác động của việc giảm thuế đối với giá xăng dầu đến CPI giảm dần khi giá mặt hàng này tiếp tục tăng lên so với hiện tại; tức giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10%; giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20% và giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30%.

Việc giảm thuế sẽ có ý nghĩa lớn với người dân, giúp tiết kiệm chi phí tiêu dùng và giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí sản xuất. Theo đại diện Bộ Tài chính, dự thảo vẫn đang lấy ý kiến các bộ ngành và cơ quan có liên quan. Chính vì vậy, Bộ Tài chính mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp đề dự án được hoàn thiện và ban hành sớm nhất có thể.