Môi trường

Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội: “Công nghệ Nhà máy nước sông Đà đã lạc hậu”

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho hay sau 11 năm đưa vào sử dụng, công nghệ của Nhà máy nước sông Đà đã lạc hậu, cần phải thay thế bằng những thiết bị tiên tiến, hiện đại hơn.

Chiều 22/10, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, liên quan sự cố Nhà máy nước sạch sông Đà, ông Lê Văn Dục - Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, an ninh nguồn nước là vô cùng quan trọng, là nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.

Theo đó, ông Dục cho hay, từ năm 2008, Nhà máy nước sạch sông Đà được đưa vào sử dụng cung cấp nguồn nước sạch cho hàng vạn hộ dân thành phố Hà Nội. Qua 11 năm vận hành, công nghệ nhà máy này đã lạc hậu so với thế giới, nên cần phải thay đổi.

“Dự án này đã được Chính phủ phê duyệt và sau 11 năm khai thác mới có sự cố này. Đây là sự cố đáng tiếc, chúng ta phải cố gắng khắc phục không để xảy ra sự cố này nữa. Bây giờ, chúng ta sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm và sẽ bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và báo về các sở ngành của Hà Nội ngay khi có vấn đề phát sinh", ông Dục nói.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc sở Xây dựng tại buổi họp báo chiều 22/10.

Theo vị Giám đốc sở Xây dựng, nguồn nước mặt sông Đà có rất nhiều điểm cần phải bảo vệ, diện tích trải dài nên việc quản lý, bảo vệ an ninh nguồn nước gặp nhiều khó khăn.

"Từ thành phần thô nước mặt sông Đà, rồi vào kênh dẫn để đưa vào hồ Đầm Bài, sở Xây dựng sẽ liên tục kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điểm còn hở, còn yếu và quy rõ trách nhiệm. Chỗ nào của chính quyền, chỗ nào của nhà máy sản xuất, chỗ nào của đơn vị truyền dẫn, phân phối", ông Dục cho hay.

Ông Dục cũng cho rằng, nếu Nhà máy nước sông Đà có công nghệ Nano thì nước sẽ rất sạch, không bao giờ còn mùi và các thành phần có hại khác.

Ngoài ra, ông Dục cũng thông tin sẽ đề xuất thành phố cho ban hành cơ chế bảo vệ nguồn nước: "Về việc xây tường rào, ngăn cách, bảo vệ nguồn nước, hồ Đầm Bài có diện tích lớn gần 16 km2 nên bảo vệ rất khó. Bên cạnh đó, hồ còn sử dụng cho cả tưới tiêu, chúng ta phải tách ra ngay để bảo vệ. Đối với phần nước thô để sản xuất thì không được trộn phần chung của người dân nữa".

Cũng tại buổi giao ban, ông Vũ Đăng Định, Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội khẳng định, đến nay nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01 của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Dù nước sạch sông Đà có thể ăn uống được, UBND TP. Hà Nội vẫn tiếp tục chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe téc và bình nước loại 20L nếu ai có nhu cầu.

Thu Huyền - Hữu Thắng