Góc nhìn luật gia

Giám đốc sở Du lịch Bình Định chơi golf mùa dịch và những điều cần bàn

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng chống dịch, là tấm gương mẫu mực, điển hình cho xã hội

Dư luận đang xôn xao về việc Giám đốc sở Du lịch tỉnh Bình Định, Nguyễn Văn Dũng và ông Nguyễn Công Thành, Phó cục trưởng cục Thuế tỉnh Bình Định là F1 của một nhân viên sân golf. Có ý kiến cho rằng, thời điểm Bình Định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 6h sáng ngày 1/8, nhưng 2 cán bộ trên chơi thể thao từ ngày 31/7 đến 1/8, là thời điểm quyết định giãn cách chưa có hiệu lực, cần phải làm rõ về thời gian này.

Xung quanh thắc mắc trên, Người đưa tin Pháp luật đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, văn phòng Luật Kết Nối, thuộc đoàn luật sư Hà Nội.

Phóng viên: Thưa Luật sư, ngày 31/5, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tạm dừng hoạt động các quán ăn, uống vỉa hè (chỉ cho bán hàng mang về) và các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng kể từ 0h00 ngày 01/6/2021 đến khi có chỉ đạo mới của UBND tỉnh. Việc chơi golf của một số cán bộ tại Bình Định có bị coi là vi phạm quy định giãn cách xã hội này hay không?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Hành động của Giám đốc sở Du lịch tỉnh Bình Định đã có dấu hiệu vi phạm về các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chúng ta cần làm rõ và phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp răn đe, xử lý để làm tấm gương cho toàn thể nhân dân.

Hình thức kỷ luật đối với vụ việc này thì tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi để đưa ra mức kỷ luật xác đáng nhất (hành vi đó có làm lây lan dịch bệnh hay không?,...). Nhưng trước tiên, ta có thể thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng chống dịch và có thể bị xử lý vi phạm hành chính lên tới 20.000.000 đồng căn cứ vào mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19

 “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, 40.000.000 đồng đối với tổ chức. (Quy định tại khoản 5 Điều 4; điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).”.

Tuy nhiên, chúng ta cần có những biện pháp mang tính chất răn đe hơn bởi vì đây là một hành vi của người đứng đầu một sở- một nhà lãnh đạo, vì vậy cần xử lý thật nghiêm minh để làm gương cho toàn Nhân dân.

Phóng viên: Luật sư đánh giá thế nào về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của 2 cán bộ sở Du lịch Bình Định và cục Thuế tỉnh Bình Định thông qua hành động trên?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng:  Giữa tình hình dịch bệnh vô cùng căng thẳng và phức tạp trên cả nước nói chung, và tình hình dịch bệnh của tình Bình Định nói riêng thì hành động của Giám đốc sở Du lịch tỉnh Bình Định và Cục phó cục Thuê tỉnh Bình Định khi tham gia chơi golf trong giai đoạn giãn cách là hành động rất thiếu ý thức, đặc biệt lại là Giám đốc sở- người đứng đầu, người lãnh đạo. Hành vi này là một hành vi vô cùng thiếu ý thức, chủ quan, không quan tâm đến sức khỏe của bản thân cũng như của toàn xã hội.

Được biết, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ thị về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian 15 ngày, kể từ 6h00' ngày 1-8. Trong đó có quy định không tụ tập 3 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Riêng các hoạt động văn hóa, thể thao (trong đó có golf), giải trí…, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định yêu cầu tạm dừng từ ngày 1-6.

Từ đó ta có thể thấy hành động của Giám đốc sở Du lịch tỉnh và Cục phó cục Thuê tỉnh Bình Định là hành động thiếu ý thức cộng đồng, đã không chấp hành nghiêm chỉnh các quy điịnh về phòng chống dịch bệnh. Trong khi cả hệ thống chính trị, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Định đã nỗ lực phòng chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhưng rất tiếc lại có những cán bộ như thế này là không thể chấp nhận được.

Chúng ta cần kiên quyết lên án, xử lý các hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về phòng chống dịch trước tiên nhất cần phải cương quyết xử lý các cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên: tình hình dịch bệnh đang có diễn biến vô cùng phức tạp, Luật sư đánh giá thế nào về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các sở ban ngành?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là người trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Vận động người dân tự giác, trung thực trong việc khai báo y tế; tuân thủ nghiêm các quy định về cách ly tập trung, cách ly tại nhà; vận động các gia đình có người thân đang sinh sống, làm việc tại các tỉnh, thành phố tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch; trong trường hợp về địa phương phải đến ngay cơ sở y tế để khai báo, cách ly theo đúng quy định.

Chính vì vậy, phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng chống dịch để từ đó là tấm gương mẫu mực, điển hình cho xã hội. Nếu vi phạm hoặc để xảy ra tình trạng vi phạm, thiếu chủ động, thiếu chặt chẽ, lơ là trong công tác phòng, chống dịch thì cần nghiêm khắc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy chính quyền.

Xin cảm ơn Luật sư!

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, văn phòng Luật sư Kết nối (ảnh nhân vật cung cấp)

Diễn biến mới nhất liên quan đến sự việc, trưa ngày 5/8, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp báo công bố quyết định xử lý vi phạm, tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc sở Du lịch tỉnh này, vì vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó, ngày 4/8, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành quyết định về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Công Thành, Cục phó Cục thuế tỉnh Bình Định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 4-8.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).