Thế giới

Giám đốc điều hành IEA: Châu Âu cần cắt giảm tiêu thụ khí đốt hơn nữa

Giám đốc điều hành IEA Birol cho rằng châu Âu cần giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt ​​so với hiện tại để đảm bảo hoạt động bình thường và an toàn trong mùa đông tới.

Sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) kêu gọi tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) giảm 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3 năm sau để ứng phó với những động thái của Nga, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cho biết châu Âu cần phải cắt giảm mạnh tay hơn nữa để duy trì năng lượng trong mùa đông sắp tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước các phóng viên hôm 20/7: "Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Do đó, châu Âu cần phải sẵn sàng trong bất cứ trường hợp nào dù bị cắt phần lớn nguồn cung khí đốt từ Nga hay thậm chí là cắt hoàn toàn".

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol tuyên bố mới đây: "Ngay cả khi không có rủi ro nào xảy ra, châu Âu vẫn cần giảm khoảng 20% lượng tiêu thụ khí đốt của khối ​​so với hiện tại để đảm bảo hoạt động trong những tháng mùa đông an toàn và bình thường".

Hôm 21/7, nhà điều hành Nord Stream 1 cho biết đường ống dẫn khí đốt quan trọng từ Nga tới châu Âu đã hoạt động trở lại sau 10 ngày bảo trì, đúng như lịch trình mà Moscow thông báo trước đó nhưng công suất bơm khí hiện chỉ đạt khoảng 30% so với mức công suất tối đa. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo rằng việc dòng chảy năng lượng từ Nga sang châu Âu “có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào”.

Lưu lượng dòng khí qua Nord Stream vào sáng hôm 21/7 ở mức khoảng 21,5 GWh, thấp hơn đáng kể so với 30 GWh trước khi bắt đầu Nga bảo trì vào ngày 11/7 và so với 70 GWh trước khi Nga giảm 60% nguồn cung vào ngày 13/6. Ông Fatih Birol chia sẻ với hãng tin CNN rằng vấn đề ngắn hạn về đường ống Nord Stream 1 có thể đã được giải quyết, nhưng “còn quá sớm để yên tâm về điều này”.

Giám đốc điều hành Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol. Ảnh: IEA.

Vị Giám đốc điều hành IEA nhận định ngay cả khi dòng khí đốt hiện tại của Nga sang châu Âu vẫn được duy trì, kết hợp tất cả lượng khí đốt mà châu Âu nhận được từ Mỹ và các nơi khác, và thậm chí giả định rằng không có rủi ro nào cản trở nguồn cung, châu Âu vẫn cần phải giảm nhiều hơn nữa bắt đầu từ ngay bây giờ.

Ông Birol kêu gọi châu Âu hoạch định một kế hoạch khẩn cấp, nhấn mạnh rằng Đức là quốc gia dễ bị tổn thương nhất, tiếp theo là Italy và một số nước khu vực Đông Âu.

Nga từng cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của EU. Tuy nhiên, dòng chảy năng lượng từ Nga sang các nước châu Âu đã giảm mạnh sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra hồi tháng 2 năm nay. Trong năm nay, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan, đồng thời giảm dòng chảy sang Đức, Italy, Áo, Đan Mạch, Slovakia và Hà Lan.

Phạm Hà Thanh (theo Oil Price, The Guardian)