Xu hướng thị trường

Giảm bớt nỗi đau kinh tế, EVFTA mang lại lợi ích gì cho hàng triệu lao động Việt Nam?

Khi Hiệp định Thương mai tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được thực thi, doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, kéo theo đó là nhu cầu về tuyển dụng lao động sẽ tăng, mang đến cho người lao động nhiều vị trí việc làm, tạo ra nguồn thu nhập cao hơn.

Cơ hội thu hút đầu tư từ các thành viên EU

Tại hội nghị trực tuyến "Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA" do Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức sáng 5/6, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng bộ Công Thương cho biết, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) theo kế hoạch sẽ được Quốc hội bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV diễn ra vào ngày 8/6 sắp tới.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi Hiệp định EVFTA được thông qua, nhiều cơ hội mở ra ngay cho doanh nghiệp cùng với đó là những tác động mạnh mẽ đến người lao động.

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ có điều kiện và các cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định về bảo hộ đầu tư (EVIPA) đi vào thực thi. Các doanh nghiệp nước ngoài từ các nước EU, theo các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư tại Việt Nam, qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư, thêm cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam khi hợp tác, làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Tuấn Anh thông tin.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng bộ Công Thương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thách thức lớn khi EU là thị trường rất lớn với 27 quốc gia với dân số khoảng hơn 450 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD. Đây là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao.

“Khi mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU, vốn là những doanh nghiệp rất bài bản, hàng hóa của họ có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế của EVFTA. Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn ngay trên sân nhà”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lợi ích cho hàng triệu lao động Việt Nam                                                      

Ở góc độ lợi ích trực tiếp cho người dân, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, EVFTA dự kiến sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm, và an sinh xã hội. Theo đó, EVFTA dự kiến giúp mỗi năm tăng thêm việc làm khoảng 146.000, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thuỷ (0,9% vào năm 2025).

EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan toả về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

EVFTA cũng có những tác động trực tiếp đến người nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam. Bởi, ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định này. Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như gạo tấm, các sản phẩm từ hạt. Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.

Một cơ hội khác mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Trong công cuộc xóa đổi giảm nghèo, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm nghèo nhanh hơn. Cụ thể, Hiệp định sẽ giúp làm tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%; giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các giới thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Với những kỳ vọng đưa ra, mong muốn của bộ Công Thương là EVFTA phải được khai thác, tổ chức thực hiện với hiệu quả cao nhất cho đất nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa - trái tim của nền kinh tế đất nước.