Kinh tế vĩ mô

Giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, bộ GTVT đề xuất giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay đối với chuyến bay nội địa đến hết ngày 31/12/2021.

Đề xuất nêu trên là một trong những nội dung được bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa vào dự thảo Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Theo dự thảo, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa được thực hiện như sau: Từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021 áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Từ ngày 1/1/2022 trở đi, các mức giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay được tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.

Trước đó, tại Thông tư số 19/TT-BGTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không, Bộ GTVT áp dụng mức giá tối thiểu là 0 đồng đối với 8 dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định khung giá như: Dịch vụ thuê sân đậu máy bay, thuê quầy làm thủ tục hành khách, tra nạp xăng dầu hàng không, dịch vụ mặt đất, thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay… từ 1/3 đến hết ngày 30/9/2020.

Đồng thời, Thông tư 19 cũng quy định giá tối thiểu 0 đồng trong thời gian trên đối với 3 dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá gồm: Cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa; dịch vụ cơ bản thiết yếu tại nhà ga hành khách.

Theo bộ GTVT, việc giảm giá, quy định mức giá 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không nói trên được thực hiện theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết trải qua 4 đợt dịch Covid-19, các hãng hàng không (VietNam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways) đã kiệt quệ nguồn lực và tài chính. 

Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội vận tải hàng không đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin. Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vắc-xin đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3 - 5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển.
PHƯƠNG LY