Kinh tế vĩ mô

Giải pháp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam: Những con số biết nói

Theo nhận định của các chuyên gia, việc khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay trong thời gian thấp điểm là nhờ một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.

Báo cáo Tình hình Kinh tế-Xã hội của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2023 đạt 1,2 triệu lượt người. Tính chung 8 tháng của năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 7,8 triệu lượt người, xấp xỉ 97,5% mục tiêu đón khách quốc tế của cả năm.

Cụ thể, tính riêng trong tháng 8/2023, Việt Nam đã đón 1.217.421 lượt khách quốc tế, tăng 117,2% so với tháng 7. Tổng 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã phục vụ 7.830.953 lượt khách quốc tế, tăng 543,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đến mới bằng 69,2%.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, với việc đạt gần 98% kế hoạch cả năm về đón khách quốc tế chỉ sau 8 tháng, ngành du lịch sẽ sớm hoàn thành mục tiêu và có nhiều thuận lợi để tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Bởi, bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm, lượng khách có thể đạt đỉnh vào tháng 11 với khoảng 1,5 triệu lượt; tháng 12 khoảng 1,4 triệu lượt khách quốc tế.

Theo nhận định của các chuyên gia với TTXVN/BNews, việc khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay trong thời gian thấp điểm là nhờ một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Điển hình là Chính phủ đã ban hành thêm Nghị quyết 82/NQ-CP về giải pháp thúc đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch bền vững vào tháng 5. Ngoài ra, với sự nỗ lực của các địa phương và sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp du lịch đã hút khách. Nhiều công ty lữ hành phối hợp với ngành hàng không mở ra các chương trình xúc tiến riêng, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo…

Ông Vũ Văn Tuyên – Tổng giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam cho biết,  từ đầu năm các doanh nghiệp đã có chiến lược quảng bá, giới thiệu bài bản về một điểm đến an toàn, hấp dẫn sau dịch Covid-19. Các chính sách từ  Cục Du lịch Quốc gia cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu hút du khách nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours, Công ty đang xây dựng các sản phẩm tour liên quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và như vậy, sản phẩm tour sẽ đang dạng hơn.

Địa phương nỗ lực thu hút khách du lịch 

Trao đổi với Vneconomy, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, từ tháng 9 đến cuối năm nay sẽ có sự tăng trưởng mạnh ở cả khách quốc tế lẫn nội địa.

Bà Hoa cho biết thêm, từ nay đến cuối năm, ngành du lịch của thành phố sẽ tập trung cho Hội chợ Du lịch quốc tế Tp.HCM sắp diễn ra với việc tăng cường quy mô ít nhất gấp đôi hội chợ năm trước, đồng thời chú trọng đến các xu hướng du lịch mới trên thế giới. 

Lượng khách quốc tế đến Tp.HCM hiện chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong 8 tháng đầu năm.

Gần đây nhất, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường du lịch MICE có tín hiệu khởi sắc trở lại tại Tp.HCM. Sản phẩm du lịch này thu hút những đoàn khách quốc tế lớn từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... với quy mô khoảng 1.000 khách. Nhằm tập trung phát triển du lịch MICE, thu hút các đoàn khách du lịch, bên cạnh việc ưu tiên cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Tp.HCM còn ban hành Chính sách du lịch MICE Tp.HCM với nhiều điều kiện ưu đãi.

Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối với các tỉnh thành trọng điểm về du lịch ở phía Nam, Tây Nguyên, miền Trung để xây dựng chương trình du lịch liên kết thu hút khách đến Hà Nội. Đồng thời tổ chức các sự kiện, chương trình, lễ hội quảng bá du lịch Thủ đô như: Cuộc thi ảnh du lịch "Thủ đô Hà Nội chào đón bạn", Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023, Festival Áo dài Hà Nội…

Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội tới du khách trong nước, quốc tế, sắp tới ngành du lịch Thủ đô sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế như CNN và nền tảng mạng xã hội. Tổ chức các hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á, Pháp và một số nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc…

Đẩy mạnh khai thác du lịch tàu biển quốc tế đến Việt Nam 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đón nhiều tàu quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như: Royal Caribbean Cruise Lines, Resort World Cruises… đã đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam đang được xem là thị trường hấp dẫn khi đón nhiều lượt tàu quốc tế cao cấp với lượng khách lên đến hàng nghìn người mỗi chuyến.

Gần đây nhất, tàu Spectrum of the Seas thuộc hãng Royal Caribbean Cruise Lines cùng hơn 4.000 khách quốc tế cập cảng Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay, tàu Spectrum of the Seas - tàu nằm trong top 10 tàu du lịch lớn nhất thế giới dừng chân tại Việt Nam và là lần thứ 2 trong năm đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ nay đến cuối năm 2023, hãng tàu này tiếp tục mang hàng nghìn du khách quốc tế đến Việt Nam.

Du thuyền Spectrum of the Seas cập cảng Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trong chuyến hải hành 12 ngày vòng quanh châu Á. 

Bà Jessica RedFord, Giám đốc Đối ngoại của Royal Caribbean, cho hay, tập đoàn mở thêm 2 hành trình vào Việt Nam vào tháng 9 và tháng 10. Hiện, vé của 2 hành trình đã được bán hết. Trong năm tới, số lượng cảng sẽ được nâng thành 3, thay vì 2 như năm 2023.

Có thể nhận thấy rằng, thị trường du lịch tàu biển Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực thông qua số lượng khách quốc tế đến bằng tàu biển ngày càng gia tăng.

Chia sẻ về tiềm năng của du lịch tàu biển của Việt Nam với báo Lao động, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, du lịch biển đảo là một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam. Vì vậy, du lịch tàu biển đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm định hướng phát triển. Hiện cơ sở hạ tầng tại nhiều cảng biển đã được đầu tư, nâng cấp, hiện đại như cảng Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Tiên Sa...

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có một số hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới như cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Đầm Môn, Nha Trang (Khánh Hòa)...

“Việt Nam sẵn sàng trở thành điểm dừng chân lâu dài và nhiều lần của du khách trong chuỗi hành trình khám phá châu Á và Đông Nam Á”, ông Khánh cho hay.

Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam khai thác các chuyến tàu biển quốc tế. Đơn cử, Công ty TST Tourist đang đẩy mạnh sản phẩm cao cấp là tour du thuyền 5 sao (Spectrum of the Seas) Singapore - Malaysia, khởi hành sớm nhất vào ngày 16/10 và 13/11.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông,  Marketing Công ty TST Tourist cho biết, trong năm 2023, nhu cầu du lịch bằng du thuyền kết hợp máy bay tăng cao. Trong đó, nhu cầu của du khách Việt Nam đối với các tuyến du thuyền khu vực châu Á đang có sự tăng trưởng tốt.

Hương Anh (t/h)