Chính sách

Giải pháp nâng cao năng lực tư vấn pháp luật cho Tư vấn viên & Cộng tác viên của hội Luật gia Việt Nam

Chiều 23/12, hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo “Khảo sát nhu cầu nâng cao năng lực của Tư vấn viên & Cộng tác viên pháp luật", nhằm đưa ra giải pháp phát huy hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người dân.

Ưu điểm và hạn chế

Ngày 23/12/2019, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) tổ chức hội thảo tham vấn báo cáo khảo sát nhu cầu nâng cao năng lực của tư vấn viên (TVV) và cộng tác viên (CTV) pháp luật của hội Luật gia Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện của bộ Tư pháp, sở Tư pháp Hà Nội, Công an TP. Hà Nội và hội Luật gia một số tỉnh, thành phố, hội Luật gia các quận, huyện ở Hà Nội.

Phát biểu mở đầu khai mạc, Phó chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh cho biết, trong những năm qua, hội Luật gia Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường tiếp cận pháp luật và dịch vụ pháp lý cho người dân nói chung và những người yếu thế nói riêng thông qua việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật (TVPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) của 58 trung tâm TVPL trên cả nước.

Bà Lê Thị Kim Thanh, Phó chủ tịch hội Luật gia Việt Nam phát biểu..

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các trung tâm TVPL còn nhiều hạn chế do cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh phí hoạt động hạn hẹp, đội ngũ TVPL còn ít về số lượng và yếu về năng lực. Do đó, hội Luật gia Việt Nam xác định cần có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dịch vụ TVPL và TGPL của các trung tâm mà khâu then chốt là tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện hoạt động này.

Để có cơ sở cho việc nâng cao năng lực cho đội ngũ này, khảo sát ý kiến của các TVV, CTV pháp luật, các cá nhân đã được TVPL, TGPL và đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan đã được thực hiện bằng hình thức phiếu khảo sát tại 30 tỉnh, thành phố và thông qua các cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm tại 4 tỉnh.

Báo cáo đã chỉ ra những ưu điểm cũng như tồn tại trong năng lực của TVV & CTV thực hiện TVPL và TGPL hiện nay, từ đó đưa những giải pháp nâng cao hoạt động của đội ngũ này trong thời gian tới.

Ưu điểm nổi bật của đội ngũ TVV & CTV được báo cáo xác định là: Có kiến thức pháp luật, am hiểu hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước; giàu kinh nghiệm; có uy tín cá nhân; có sự hỗ trợ của Trung ương HLGVN; có mối liên hệ với cá nhân, tổ chức tại địa phương; nhiệt tình và tâm huyết, nhưng phần lớn hoạt động ở việc tuyên truyền pháp luật.

Bà Đào Thị Thu An, quản lý dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam. 

Báo cáo cũng đã nhận diện những điểm mà đội ngũ TVV và CTV còn cần cải thiện để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ pháp lý tốt hơn của người dân, cụ thể là cần tăng cường kỹ năng thu thập và phân tích thông tin, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, phương pháp và kỹ  năng làm việc với các nhóm yếu thế…. Đồng thời, 43% TVV và CTV được khảo sát bày tỏ mong muốn được tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật. 

Một thực trạng cũng được phát hiện qua khảo sát là đội ngũ TVV, CTV đa phần trên 49 tuổi nên mặc dù có nhiều ưu thế như kiến thức phong phú, kinh nghiệm dày dặn, có quan hệ tốt với các cơ quan, tổ chức có liên quan nên thuận lợi trong công việc. Tuy nhiên, độ tuổi này cũng là cho TVV, CTV có hạn chế trong việc tiếp thu, phân tích thông tin, thiếu động lực học hỏi... Đây cũng chính là vấn đề cần lưu tâm khi thiết kế các chương trình và phương pháp nâng cao năng lực của đội ngũ sau này.

Giải pháp nâng cao năng lực

Đa phần các đại biểu nhất trí với thực trạng năng lực của đội ngũ thực hiện TVPL được nêu trong báo cáo khảo sát nêu trên. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận sôi nổi để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ TVV, CTV pháp luật trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp chủ yếu về thể chế, tổ chức, giải pháp cụ thể đối với TTV, CTV.

Có thể nêu một số giải pháp có sự đồng thuận cao của đại biểu như cần kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TVPL; mở rộng địa điểm cung cấp dịch vụ xuống tận cơ sở, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của người dân; tăng cường công tác truyền thông để người dân biết đến trung tâm tư vấn pháp luật, cải thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ, dữ liệu của Trung tâm để thuận tiện cho việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch, tăng cường tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật, về các kỹ năng làm việc, tư vấn với từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, kỹ năng quản lý, tổ chức công việc....

Ông Vòng Khiềng, Giám đốc trung tâm TVPL thuộc hội Luật gia tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến đóng góp. 

Riêng khó khăn về ngân sách, ông Vòng Khiềng, Giám đốc trung tâm TVPL thuộc hội Luật gia tỉnh Đồng Nai có chia sẻ kinh nghiệm khá thú vị: “Từ người lãnh đạo đến mỗi TVV & CTV cần xác định đặc điểm đặc thù và chức năng nhiệm vụ của trung tâm TVPL thuộc hội Luật gia là tư vấn pháp luật, trợ giúp miễn phí cho bà con. Với kinh nghiệm của hội Luật gia Đồng Nai cho thấy, khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, đem lại lợi ích cho người dân thì địa phương sẽ nhìn nhận thấy và cấp ngân sách”.

Ngoài ra một số đại biểu cho rằng, kỹ năng định hướng của TVV, CTV pháp luật đối với người được tư vấn cũng cần được chú trọng để đưa ra cho họ lời tư vấn hợp lý nhất, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Bởi thực tế nhiều người dân khi khiếu nại đã tìm hiểu rất kỹ về pháp luật nên việc cần làm của đội ngũ TVV & CTV là giúp họ định hướng áp dụng các quy định pháp luật như thế nào cho hiệu quả.

Đặc biệt, bên cạnh mong muốn được các cơ quan, tổ chức hữu quan tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng TVPL, TGPL, các TVV & CTV pháp luật đều nhận thức rất sâu sắc việc cần tự giác trong việc nâng cao năng lực của bản thân trước những thay đổi liên tục của các quy định pháp luật.

Kết quả của hội thảo sẽ được ghi nhận nhằm hoàn thiện báo cáo, làm cơ sở để hội Luật gia Việt Nam xây dựng một kế hoạch dài hạn về tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện dịch vụ TVPL trong thời gian tới.