Tài chính - Ngân hàng

Giải pháp chống đỡ có thể được Trung Quốc áp dụng sau đòn áp thuế bổ sung của Mỹ

Một trong các biện pháp Trung Quốc có thể dùng đến để chống đỡ đòn áp thuế bổ sung của Mỹ là tiếp tục tung kích thích cho kinh tế trong nước", chuyên gia Moe dự báo.

Theo Reuters, ngày 2/8, tân phái viên Trung Quốc tại Liên hợp quốc cảnh báo Bắc Kinh sẽ chiến đấu vì đòn đánh thuế "phi lý", "vô trách nhiệm" của Mỹ.

"Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng. Nếu Mỹ muốn đối thoại thì chúng tôi sẽ đối thoại, nếu họ muốn chiến đấu thì chúng tôi sẽ chiến đấu", Zhang Jun, phái viên Trung Quốc tại Liên hợp quốc ngày 2/8 nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/8 tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nữa nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9. Trước đó, Mỹ đã đánh thuế với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Ông Zhang Jun mô tả động thái đánh thuế của Tổng thống Mỹ Trump là "hành động phi lý, vô trách nhiệm". "Chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp đối phó cần thiết nào để bảo vệ quyền cơ bản của mình và chúng tôi cũng kêu gọi Mỹ quay lại đúng hướng trong việc tìm ra giải pháp phù hợp thông qua con đường đúng đắn", ông nói thêm.

Mỹ-Trung Quốc đang ngày càng lún sâu vào cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm qua, ảnh hưởng lớn đến niềm tin kinh doanh và đầu tư.

Ngày 2/8, Tổng thống Trump tuyên bố áp mức thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa bổ sung của Trung Quốc từ ngày 1/9, bất chấp các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ đã thất vọng vì không thể thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại trong các cuộc đàm phán ở Thượng Hải, và đã tập hợp các cố vấn hàng đầu của mình trong Phòng Bầu dục để thảo luận về cách giải quyết vấn đề này.

Theo CNBC, Timothy Moe - đồng giám đốc nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á tại Goldman Sachs cho rằng diễn biến áp thuế mới nhất này của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phải tăng hỗ trợ nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm nay. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng lún sâu vào cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm qua, ảnh hưởng lớn đến niềm tin kinh doanh và đầu tư.

Nửa đầu năm nay, GDP Trung Quốc tăng 6,3%. "Chúng tôi cho rằng một trong các biện pháp nước này có thể dùng đến là tiếp tục tung kích thích cho kinh tế trong nước", chuyên gia Moe dự báo, "Môi trường bên ngoài đang yếu đi và rõ ràng chịu tác động ngày càng lớn từ chính căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Vì thế, để bù đắp ảnh hưởng quốc tế, đầu tư và tiêu dùng trong nước cần được hỗ trợ".

Bắc Kinh gần đây đã đưa ra hàng hoạt chính sách nới lỏng tiền tệ và giảm thuế để kích thích kinh tế. Chuyên gia Moe cho rằng sắp tới, nước này sẽ tập trung vào các chính sách tài khóa, hoặc nới các quy định về bất động sản.

Các nhà phân tích tại Citi thì cho rằng đòn thuế mới nhất của Mỹ sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,7% và tăng trưởng GDP mất 0,5%. Đó là còn chưa kể thiệt hại kinh tế từ các vòng đánh thuế trước.

Dù vậy, họ dự báo Bắc Kinh "sẽ áp dụng chính sách chờ đợi" hơn là "nhượng bộ" các yêu cầu của Washington. Điều này có nghĩa các chính sách tiền tệ sẽ theo hướng nới lỏng hơn. Còn chính sách tài khóa sẽ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Kích thích tiêu dùng tại nông thôn sẽ "đóng vai trò chủ động hơn" trong việc kéo tăng trưởng lên.

Mỹ và Trung Quốc kéo nhau vào tranh chấp thương mại khởi phát từ tháng 7/2018 khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để sữa chữa những gì mà ông mô tả là tập quán thương mại không công bằng. Kể từ đó, 2 bên nhiều lần áp thuế qua lại xen kẽ giữa các vòng đàm phán.