Đời sống

Giải mã vết đỏ bí ẩn bám chặt trên mặt nạ vàng suốt nghìn năm

Phải mất nhiều năm các nhà khảo cổ mới giải mã được bí ẩn về vết máu trong lớp sơn đỏ trên chiếc mặt nạ vàng 1.000 năm tuổi tìm thấy ở Peru.

Các nhà nghiên cứu làm việc trong dự án khảo cổ Sicán đã phát hiện một chiếc mặt nạ vàng vào thập niên 1990 trong lúc khai quật ngôi mộ cổ Peru.

Chủ nhân ngôi mộ là một người đàn ông thượng lưu từ nền văn minh Sicán, sinh sống ở ven biển phía bắc Peru từ thế kỷ 9 đến 14. Người này qua đời cách đây 1.000 năm. Khi mất ông khoảng 40 đến 50 tuổi.

Bộ xương của ông được sơn màu đỏ tươi, không có hộp sọ và đặt trong tư thế nằm sấp giữa ngôi mộ hình vuông sâu 12 m. Hộp sọ nằm tách biệt với bộ xương, được dựng thẳng và đeo chiếc mặt nạ sơn đỏ.

Bên trong ngôi mộ, nhóm khảo cổ còn khai quật được 1,1 tấn đồ mai táng và hài cốt của 4 người khác bao gồm 2 người phụ nữ trẻ ở tư thế bà đỡ và sản phụ đang sinh con, cùng 2 đứa trẻ đang bò ở bậc cao hơn.

Thời điểm khai quật, các chuyên gia khảo cổ xác định vệt đỏ trên mặt nạ là chu sa, loại khoáng chất màu đỏ tươi cấu tạo từ thủy ngân và lưu huỳnh. Chu sa thường được sử dụng bởi tầng lớp thượng lưu và có ý nghĩa quan trọng trong nghi thức. Những người cổ đại thuộc tầng lớp bình dân thì sử dụng một loại sơn từ thổ hoàng để vẽ lên các đồ vật.

Điều khiến các nhà khảo cổ chú ý là dù bị chôn vùi dưới lớp đất sâu suốt nghìn năm, vệt đỏ dày 1 - 2mm vẫn bám chặt vào chiếc mặt nạ.

Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proteome Research của Hiệp hội Hóa học Mỹ, nhà hóa học Elisabete Pires ở đại học Oxford và cộng sự đã phân tích mẫu vật lấy từ vệt đỏ để khám phá thành phần bí mật trong vệt đỏ này.

Thông qua kỹ thuật quang phổ hồng ngoại, sử dụng tia hồng ngoại để nhận dạng thành phần vật liệu, họ nhận thấy vệt đỏ có chứa protein. Sau đó, nhóm nghiên cứu dùng khối phổ, phương pháp giúp phân loại những ion khác nhau trong vật liệu dựa trên điện tích và khối lượng của chúng, để tìm ra protein cụ thể.

Kết quả cho thấy vệt đỏ chứa 6 protein trong máu người và protein có nguồn gốc từ lòng trắng trứng. Tuy nhiên vì các protein phần lớn đã bị phân hủy nên các chuyên gia không thể xác định chính xác loại trứng chim được sử dụng để làm sơn. Dù vậy họ đặt giả thuyết đó là trứng vịt Muscovy (Cairina moschata).

Trước đây, giới khảo cổ cho rằng việc sắp đặt những bộ hài cốt thể hiện khát vọng "tái sinh" của tộc trưởng Sicán đã qua đời. Để sự tái sinh diễn ra, người cổ đại phủ lớp sơn chứa máu lên toàn bộ hài cốt, biểu trưng cho dòng máu đỏ hay "sinh khí".

"Sự hiện diện của máu người trên chiếc mặt nạ vàng bổ trợ cho lý thuyết trước đây về sơn chu sa đỏ, đại diện cho sức mạnh dồi dào hỗ trợ tái sinh", Izumi Shimada, người đứng đầu nghiên cứu dự án Khảo cổ học Sicán cho biết.

Cư dân thuộc nền văn hóa Sicán sinh sống ở bờ biển phía bắc của Peru ngày nay nhưng họ phát triển như thế nào thì không có nhiều tài liệu ghi chép rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng người Sicáns là hậu duệ của nền văn hóa Moche phát triển mạnh mẽ ở Peru từ năm 100 đến năm 700 sau Công nguyên.

Văn hóa Sicán chú trọng vào các tập tục an táng của giới tinh hoa, những người này sau khi qua đời được chôn cất với nhiều vật phẩm trang trọng. Phân tích gần đây còn phát hiện nền văn minh Sicán hiến tế người bằng cách cắt vào cổ và ngực để máu chảy tối đa. Vì vậy, từ góc nhìn khảo cổ, tập tục sử dụng máu người trong lớp sơn vẽ không gây bất ngờ.

Minh Hoa (t/h)