Văn hoá

Giải mã những con phố "chưa đi đã hết" tại Hà Nội

Những con phố chỉ dài chưa đến 100m, chỉ vài chục bước chân, vài ngôi nhà là bạn có thể đi hết cả con phố, có lẽ đây là một trong những nét độc đáo khiến cho Hà Nội hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch.

Dù rất ngắn nhưng dưới đây là những con phố có lịch sử rất lâu đời, tạo nên những nét độc đáo cho Thủ đô Hà Nội.

1. Phố Hồ Hoàn Kiếm - 52m:

Với độ dài là 52m, phố Hoàn Kiếm được công nhận là con phố ngắn nhất Hà Nội, nối từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng.

Phố Hồ Hoàn Kiếm. Trước đây, phố thuộc thôn Tả Vọng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Philharmonique, đến năm 1945, phố được đổi tên là Hồ Hoàn Kiếm. Một trong những điều thú vị ở phố này các căn nhà đều là mặt tiền thứ hai của các căn nhà trên phố Đinh Tiên Hoàng hoặc Cầu Gỗ.

2. Phố Nguyễn Xí - Hơn 52m:

Phố Nguyễn Xí được đặt theo tên danh tướng Nguyễn Xí (1396 – 1465) dưới thời vua Lê Lợi, người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Con phố này được xếp vào vị trí thứ hai trong số những con phố ngắn nhất Hà Nội.

Phố Nguyễn Xí dài hơn phố Hồ Hoàn Kiếm, hơn 52m, nối từ phố Đinh Lễ đến phố Tràng Tiền. Trước phố thuộc thôn Hậu Lâu, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Rue Jules Boissière (Boa-xi-e), sau cách mạng gọi là phố Chùa Quan Thượng, nay phố có tên là Nguyễn Xí.

3. Phố Đống Mác - 60m:

Phố Đống Mác dài 60m, nằm ở đoạn cuối phố Lò Đúc, một đầu thông ra đê Trần Khát Chân đứng vị trí thứ tư trong danh sách những con phố ngắn nhất Hà Nội.

Trước phố thuộc thôn Cảm Hội, tổng Hậu Nghiệm, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời Pháp thuộc, phố thuộc đường 335 (Voie 335), năm 1994, phố được đặt tên là Đống Mác.

4. Phố Lê Văn Linh - 65m:

Phố Lê Văn Linh dài 65m nối phố Phùng Hưng với phố Lý Nam Đế. Phố vốn là dãy hào chạy dọc tường phía Đông Thành cổ bị lấp đi. 
Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Tướng Nogrès (Rue Général Nogrès), nay phố được lấy tên của ông Lê Văn Linh (1377 – 1448) - một người có tài văn chương, theo Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn.

5. Phố Đông Thái - 70m:

Với chiều dài 70m, Đông Thái chạy từ ngã ba Trần Nhật Duật – Chợ Gạo đến phố Mã Mây, đoạn nối với Hàng Buồm. Trước phố thuộc giáp Đông Thái, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thời xưa phố được dân gian gọi là ngõ Hàng Trứng, đến thời Pháp thuộc được gọi là ngõ Đông Thái. Ngày nay được gọi là “phố”, nhưng Đông Thái vẫn mang dáng dấp của một ngõ nhỏ với lòng đường khá nhỏ và hẹp.

6. Phố Chợ Gạo - 75m:

Phố Chợ Gạo dài 75m nối phố Trần Nhật Duật với phố Đào Duy Từ.

Trước phố nguyên là cửa sông Tô Lịch cũ, thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Đả Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Pháp thuộc phố có tên là Quảng trường Thương mại (Place du Commerce). Phố vốn là nơi họp chợ buôn bán thóc gạo với cả một nhà kho lớn chứa gạo nên sau này được đổi tên thành phố Chợ Gạo.

7. Phố Ô Quan Chưởng - 75m:

Ô Quan Chưởng là một trong những con phố cổ ngắn nhất Hà Nội, với chiều dài khoảng 75m, nối từ cửa Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, nằm cuối phố Hàng Chiếu ra đường Trần Nhật Duật. Thời Pháp thuộc, phố có tên là Nattes en Joncs (Rue dé Nattes en Joncs – Phố Hàng Chiếu Cói).

Phố được đặt tên Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hi sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn trong cuộc chiến đấu chồng Pháp khi chúng đánh thành Hà Nội.

8. Phố Mai Xuân Thưởng:

Phố Mai Xuân Thưởng dài 80m, đứng thứ 8 trong số những con phố ngắn nhất Hà Nội, nối phố Thuỵ Khuê với phố Phan Đình Phùng. Phố này là một đoạn cũ của dãy hào ở góc Đông Bắc thành Thăng Long thời Nguyễn. 

Thời Pháp thuộc, phố có tên là Hậu Quân Chất (Rue Hậu Quân Chất), sau năm 1945, phố được đặt tên là Mai Xuân Thưởng (1860 – 1887) – người đứng lên khởi nghĩa chống Pháp khi Huế thất thủ. Nay phố thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Phạm Tùng