Dân sinh

Giải mã hiện tượng tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn

Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn kinh hoàng gây chấn động xã hội. Một trong những điều gây bất bình hơn là sau khi xảy ra sự cố, các cá nhân có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn lại có những hành động trốn tránh trách nhiệm.

Hành vi này khá phổ biến đối với các trường hợp có liên quan đến các xe ô tô đặc biệt là xe hơi riêng, khi các tài xế dù không bị thương nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình rời khỏi hiện trường vụ án mà không thông báo cho lực lượng chức năng.

Để có thể hiểu rõ tình trạng này, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học (bộ Công an).

Trung tá Đào Trung Hiếu.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu tâm lý tội phạm, anh lý giải như thế nào về hiện tượng các tài xế thường bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Các tài xế sau khi gây ra những vụ tai nạn thường xuất hiện các phản ứng tâm lý sau:

Hoảng sợ, vì đều nhận thấy lỗi hoặc trách nhiệm của bản thân trong việc gây tai nạn, lo sợ bị xử lý theo quy định của pháp luật; lo sợ bị hành hung, đập phá tài sản bởi người đi đường, lo sợ trách nhiệm bồi thường thiệt hại với nạn nhân;

Bối rối, luống cuống, rụng rời…nhất là trước hậu quả tai nạn nghiêm trọng như làm chết người. Tại thời điểm phát hiện mình đã gây tai nạn, khả năng kiểm soát, điều chỉnh hành vi xuống mức thấp nhất, lái xe có thể có những phản ứng vô thức, thiếu chính xác như tăng ga chạy, tiếp tục gây tai nạn;

Muốn thoát khỏi rắc rối do mình gây ra, muốn trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật, trốn tránh trách nhiệm bồi thường dân sự;

Với những lái xe trong tình trạng say rượu bia, chất kích thích dẫn đến không làm chủ tốc độ, vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ gây tai nạn…họ biết rõ chế tài xử lý của pháp luật đối với lỗi của mình rất nghiêm khắc, nên thường nảy ra ý định trốn tránh trách nhiệm bằng các hành động như bỏ trốn ngay khi gây tai nạn; sau khi thoát ly hiện trường rồi thường tìm cách xoá dấu vết (như bí mật sửa chữa, sơn lại xe, cất giấu phương tiện…)

Có thể thấy việc các tài xế rời khỏi hiện trường ngay sau khi gây án là hành vi khá phổ biến. Các tài xế này tiếp tục trốn tránh trách nhiệm không đến trình diện lực lượng chức năng thì sẽ phải chịu những hình thức xử phạt nào theo quy định pháp luật?

Khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Sau khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông.

Đối với những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, tùy loại phương tiện điều khiển mà có mức xử phạt khác nhau theo Nghị định 46/2016/ NĐ-CP.

Bản thân tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi, lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy nhằm rũ bỏ trách nhiệm, không cần biết nạn nhân sống chết ra sao.

Đặc biệt, đối với những trường hợp sau khi biết gây tai nạn, cố tình cho xe lùi lại cán nạn nhân, hoặc tiếp tục phóng xe với tốc độ cao dù biết phía trước có nhiều người đang tham gia giao thông…Những hành vi này cần phải xem xét về tội giết người, hoặc cố ý gây thương tích, tuỳ theo tính chất và mức độ của hậu quả.

Vậy anh có lời khuyên gì đối với người tham gia giao thông khi rơi vào những tình cảnh không may như trên?

Trên thực tế, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi người bị nạn đang cần sự giúp đỡ thì tài xế lại nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Điều này phản ánh một thực trạng đáng báo động về đạo đức, lối sống của nhiều lái xe, đó là sự thờ ơ, vô cảm với nỗi đau đớn của đồng loại mà chính mình là nguyên nhân. Đành rằng tai nạn là điều chẳng ai mong muốn, nhưng nếu như các lái xe gây tai nạn biết dừng lại, cấp cứu các nạn nhân thì có lẽ nạn nhân lại không tử vong; hoặc chí ít cũng khiến cho nạn nhân, gia đình họ giảm đi phần nào nỗi đau.

Do đó, lái xe chỉ rời khỏi hiện trường vụ tai nạn, nếu chính họ cũng bị thương phải đi cấp cứu, hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc có những căn cứ xác đáng cho rằng nếu ở lại bản thân sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất. Ngoại trừ các trường hợp này, lái xe phải ở lại hiện trường đến khi cơ quan chức năng có mặt để giải quyết sự việc.

Xin cảm ơn Trung tá!