Thế giới

Giải mã động thái Slovakia chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine

Tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã thu hút sự chú ý của quốc tế với cam kết ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine sử dụng trong cuộc chiến với Nga.

Dưới sự điều hành của vị Thủ tướng mới đắc cử được cho là có quan điểm “thân Nga”, Slovakia – quốc gia 5,5 triệu dân có chung biên giới với Ukraine, vừa là thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể bắt đầu bước trên con đường giống như Hungary.

“Tôi đã thông báo với Chủ tịch EC rằng Chính phủ mới của Slovakia sẽ không hỗ trợ quân sự cho Ukraine và chúng tôi chỉ tập trung vào viện trợ nhân đạo”, ông Fico cho biết trong một bài đăng trên Facebook sau cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào tháng trước, với tiêu đề “Từ hôm nay trở đi Slovakia sẽ có quan điểm riêng của mình tại Brussels”.

Lập luận giống nhau

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Slovakia là một trong những quốc gia ủng hộ Kiev nhiều nhất tính theo đầu người.

Mặc dù có quân đội nhỏ hơn trong NATO, nhưng Slovakia lại là một trong những nước đầu tiên gửi cho Ukraine vũ khí tấn công chủ lực từ thời Liên Xô, như chiến đấu cơ MiG-29 và xe tăng T-72, cũng như hệ thống phòng không S-300 và các khẩu lựu pháo tự hành Zuzana do chính họ sản xuất.

Tổng cộng, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine ở phía Đông đã gửi 13 gói viện trợ quân sự trị giá 671 triệu Euro.

Ông Fico tuyên bố sẽ chấm dứt sự hỗ trợ này, lập luận giống như Thủ tướng Hungary Viktor Orban rằng nó chỉ châm ngòi cho cuộc chiến đang diễn ra, và thay vào đó ông đã kêu gọi đàm phán hòa bình ngay lập tức.

Theo đó, hôm 8/11, Nội các mới do ông Fico dẫn dắt đã từ chối phê duyệt gói viện trợ quân sự thứ 14 và cuối cùng cho Ukraine. Gói viện trợ trị giá 40,3 triệu Euro được chuẩn bị bởi Nội các kỹ trị tạm quyền trước khi chuyển giao quyền lực.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (phải) được người đồng cấp Cộng hòa Séc Petr Fiala chào đón khi tới thăm Praha, Cộng hòa Séc, ngày 24/11/2023. Ảnh: AP/Post Register

Mới đây, sau cuộc gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala tại Praha hôm 24/11, ông Fico một lần nữa nhấn mạnh rằng ông coi cuộc chiến giữa Ukraine và Nga là một cuộc xung đột đóng băng và không thể giải quyết bằng cách gửi vũ khí cho các lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông Fico đã tới Praha trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình sau khi nhậm chức. Các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia từng hình thành Tiệp Khắc có truyền thống thăm nhau sau khi đắc cử trước khi đến thăm bất kỳ quốc gia nào khác. Họ vẫn thân thiết với nhau kể từ sau khi Tiệp Khắc tách thành Cộng hòa Séc và Slovakia vào năm 1993.

Cộng hòa Séc, hay Czechia, là nước ủng hộ nhiệt thành cho Ukraine và đã cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng cũng như các loại vũ khí khác. Ông Fico cho biết ông tôn trọng lập trường của Cộng hòa Séc và nhắc lại Slovakia sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo và viện trợ khác cho Ukraine.

Tuy nhiên, lập trường mới của Chính phủ Slovakia về ngừng viện trợ quân sự dường như chủ yếu ở cấp độ nhà nước.

“Ông Fico sẽ không ngăn cản các doanh nghiệp đã ủng hộ mình tìm kiếm lợi nhuận bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine”, ông Milan Nic, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP), cho biết.

Song song với đó, Bratislava đã bắt đầu cân nhắc các cơ hội kinh doanh với người hàng xóm lớn của mình một khi Kiev bước vào giai đoạn tái thiết – đặc biệt là các hợp đồng tiềm năng cho ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh một thời của Slovakia.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU hôm 27/10, ông Fico đã không thực hiện bất kỳ nỗ lực đáng kể nào nhằm ngăn chặn viện trợ của EU cho Ukraine hoặc các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với Nga. Và Thủ tướng Slovakia dường như khó có thể tham gia cùng Thủ tướng Orban của Hungary trong bất kỳ sự cản trở nào, ít nhất là vào lúc này.

Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar gần đây cho biết rằng Slovakia sẵn sàng thảo luận về gói viện trợ bổ sung trị giá 50 tỷ Euro của EU dành cho Ukraine, “miễn là các nguồn lực này được sử dụng cho các mục đích cụ thể và không lạc vào môi trường tham nhũng của đất nước này”, và miễn là nông dân Slovakia được bảo vệ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine, và các công ty Slovakia có thể tham gia vào việc tái thiết Ukraine.

Cách thể hiện khác nhau

Điều quan trọng hơn nữa là ông Fico đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không phản đối các công ty vũ khí Slovakia bán trang thiết bị cho Ukraine theo các hợp đồng tư nhân.

“Nếu một công ty muốn sản xuất vũ khí và cung cấp chúng, thì tất nhiên chúng tôi sẽ không ngăn cản điều này”, ông Fico cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với cánh tay phải của mình – tân Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak, hôm 6/11.

Tất cả điều này cho thấy rằng sự phản đối của ông Fico đối với viện trợ quân sự chủ yếu mang tính biểu diễn. Và không giống như ông Orban, ông Fico có thể không có những phản đối nghiêm trọng về mặt ý thức hệ đối với việc hỗ trợ Ukraine, đặc biệt nếu Slovakia, hoặc Đảng SMER của ông, có thể thu được lợi ích từ việc này.

Ông Fico có thể sẽ chỉ cùng ông Orban cản trở viện trợ của EU nếu Thủ tướng Slovakia có tranh chấp nghiêm trọng với EC về một vấn đề khác, chẳng hạn như nỗ lực thiết lập lại quyền kiểm soát hệ thống tư pháp của đất nước nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc điều tra tham nhũng nào tiếp theo.

Hơn nữa, Slovakia có thể thu được lợi ích đáng kể từ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vì Bratislava vốn có nền công nghiệp quốc phòng vững chắc.

Lựu pháo tự hành Zuzana do Slovakia sản xuất. Ảnh: The Slovak Spectator

Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà máy công nghiệp của Slovakia ẩn sâu trong dãy núi Carpathian là nhà cung cấp chính các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng cho quân đội của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Warsaw. Ngành công nghiệp này sụp đổ sau khi nền dân chủ được tái lập vào năm 1989.

Giờ đây, các công ty quốc phòng Slovakia đang thịnh vượng trở lại. Theo dữ liệu từ cổng thông tin FinStat, 10 công ty vũ khí lớn nhất ở Slovakia có tổng doanh thu hơn 362 triệu Euro. Phần lớn doanh số bán hàng đến từ Tập đoàn DMD thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm Konstrukta-Defense và ZTS Special, và Tập đoàn MSM, một phần của Tập đoàn Czechoslovak (CSG).

CSG là nhà sản xuất đạn dược quan trọng ở Slovakia thông qua việc sở hữu cổ phần tại ZVS Holding – công ty sản xuất đạn cỡ nòng 150 mm và VOP Novaky. Công ty này đã phát triển thịnh vượng từ việc cung cấp đạn dược cỡ lớn, hệ thống trên bộ, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh (IFV), hệ thống phóng tên lửa và pháo binh cho Ukraine. Ông chủ Michal Strand, con trai người sáng lập, năm nay gia nhập danh sách tỷ phú Séc của Forbes.

Các công ty quốc phòng này hiện đang tăng cường sản xuất. Trong khi sản lượng đạn dược của Slovakia đạt trung bình 50.000 viên đạn trong năm nay, nước này dự kiến sẽ sản xuất 100.000-150.000 viên vào năm tới, ông Alexander Duleba, thành viên cấp cao tại Hiệp hội Chính sách đối ngoại Slovakia, cho biết.

​Đảng SMER có lý do chính đáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp đồng quốc phòng này vì đảng này có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty quốc phòng Slovakia, do Tập đoàn MSM đứng đầu.

Ông Vladimir Snidl, một nhà báo quốc phòng của nhật báo DennikN, nói với bne Intelli News rằng ông Fico “không có cách nào để chấm dứt các nguồn cung cấp đã có theo hợp đồng” cho Ukraine, và hơn nữa “ông ấy không quan tâm” đến việc làm như vậy.

Ông Snidl chỉ ra rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak có “mối quan hệ tốt” với ông Jaroslav Strnad, người sáng lập CSG. “Tôi kỳ vọng Bộ trưởng Kalinak sẽ rất cởi mở với CSG”, ông Snidl nói.

Hệ thống lựu pháo tự hành Zuzana đã cung cấp cho Ukraine là sản phẩm của công ty Konstrutka Defense của Slovakia. Người đứng đầu Konstrukta, ông Alexander Gursky, là người tích cực ủng hộ Ukraine và có quan hệ tốt ở đó. Nhưng ông Gursky đã từ chức và sẽ được thay thế bởi một ứng cử viên do Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia đề cử.

Nhìn về phía trước, những thỏa thuận tiềm năng này dành cho những doanh nghiệp ủng hộ Đảng SMER có vẻ sẽ lớn hơn bất kỳ mối lo ngại nào mà ông Fico có thể có, hoặc có thể không có, về việc “đổ thêm dầu vào lửa” đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Minh Đức (Theo bne Intelli News, AP)