Văn hoá

Trời hè oi nóng lên vùng núi cao, tìm hoa hiên giải nhiệt

Chỉ nở một lần vào mùa hè trong năm, hoa hiên là một đặc sản của vùng núi cao.  Sở hữu vị ngọt, tính mát, loài hoa có nhiều công dụng cho sức khỏe như thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, sáng mắt, tiêu tan ưu phiền. Dùng hoa hiên để chế biến một số món ăn trong bữa cơm gia đình, rất ngon miệng mà lại bổ dưỡng.

Trời về hè không khí oi bức, ở chốn thành phố đông đúc, khói bụi khiến cái nắng nóng ngày một gay gắt. Dành thời gian tìm lên vùng núi cao tận hưởng cái mát lành của thiên nhiên. Người miền Bắc có thể tìm lên Tam Đảo, Sa Pa, người phía Nam chuộng khí hậu ôn hòa của Đà Lạt. Nhưng một khi đã lên núi thì đừng bỏ qua cơ họi thưởng thức hoa hiên. 

Cây hoa hiên (hoa kim châm) là một loại cây thân rễ ngắn, lá hình dải hẹp. Từ xa xưa loài cây này đã được cha ông ta phát hiện, trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép: Cây kim châm dài chừng một thước, nó còn có tên là hoa hiên, huyên thảo, rau huyên, hoàng hoa... Giống cây này ưa khí hậu nhiệt đới núi cao, quanh năm ẩm mát.

Vẻ ngoài rực rỡ của hoa hiên.

Hoa của cây chỉ nở duy nhất vào mùa hè, kéo dài 1 tháng. Mùa hoa nở thường rơi vào khoảng giữa tháng 6 cho đến cuối tháng 7. Hoa hiên to, có 6 cánh màu vàng hoặc cam đỏ, bao hoa hình phễu trông gần giống với hoa loa kèn, mùi thơm nhẹ.

Mang vẻ đẹp bình dị nhưng hoa hiên có chứa nhiều protein, chất béo, tinh bột, vitamin A, vitamin C… rất có lợi cho sức khỏe. Loài hoa này vị ngọt, tính mát, có nhiều công dụng cho sức khoẻ như thanh nhiệt, hỗ trợ tiêu hoá, sáng mắt, tiêu tan ưu phiền. Dùng hoa hiên để chế biến một số món ăn trong bữa cơm gia đình, rất ngon miệng mà lại bổ dưỡng.

Loài hoa này có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.

Hoa thường được nấu chung với thịt gà, ăn kèm với các loại rau lẩu hay nấu chung với lươn đều ngon miệng. Lấy bột hoa hiên cho một ít vào nồi canh cá hay canh cua sẽ làm tăng mùi vị thơm ngon và bổ dưỡng cho món ăn hơn.

Ví dụ như món Hoa hên xào nghêu vừa dễ làm vừa đưa cơm. Hoa hiên rửa sạch, để ráo nước, cà chua bi cắt đôi, hành lá thái khúc. Đun nóng dầu, phi thơm tỏi, cho nghêu vào xào chín tới rồi cho kim châm, cà chua bi vào xào, thêm gia vị vừa ăn. Múc ra đĩa, rắc tiêu và hành lá, dùng nóng. 

Hoa hiên xào nghêu.

Trong y dược học, hoa hiên còn là nguồn nguyên liệu tốt để bào chế thuốc do chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như protein, chất béo, nitơ tự do, đường khử, tinh bột... Đây còn là nguồn vitamin A, vitamin C dồi dào. Không chỉ hoa mà cả lá và rễ cây cũng có nhiều công dụng đặc biệt đối với sức khoẻ.

Trong Đông Y, dùng hoa hiên sắc lấy nước uống có thể chữa được sốt cao, viêm đại tràng, tiểu tiện khó, vàng da, chảy máu cam. Hoa hiên sắc chung với ngải cứu, ích mẫu, rễ gai chữa kinh nguyệt không đều. Canh hoa hiên giúp phụ nữ có thai ngăn chặn động thai, ngăn phiền muộn, bứt rứt, mất ngủ.

Ngoài hoa, lá thì rễ của hoa hiên cũng được sử dụng khá phổ biến để làm thuốc. Rễ hoa hiên có vị ngọt, tính mát, lợi thủy nên được sử dụng để làm thuốc giảm đau, chữa sốt, viêm gan, vàng da, viêm tai giữa, đau răng…

Những người có chứng chảy máu cam, mỗi khi thời tiết nắng nóng có thể lấy hoa hiên rửa sạch, giã nhỏ, gạn lấy bã đắp vào mũi còn nước thì pha thêm nước ấm vào uống, máu sẽ không còn chảy nữa. Hoặc có thể dùng hoa hiên nấu kèm với lá vông nem, lá dâu tằm hay phơi vừa khô đem sao vàng, sắc nước uống hàng ngày sẽ chữa bệnh mất ngủ. Tuy nhiên, không nên ăn sống hay sử dụng một lúc quá nhiều hoa hiên sẽ dễ bị ngộ độc, giãn đồng tử, ức chế hô hấp…

Bá Di (Tổng hợp)