Đời sống

Giải mã cảm giác bước hụt chân khi ngủ khiến nhiều người hoang mang

Cảm giác bước hụt chân hay rơi tự do khi đang ngủ là hiện tượng nhiều người gặp phải. Tình trạng này xảy ra do đâu và có nguy hiểm đến sức khỏe hay không?

Rất nhiều người thừa nhận từng trải qua hiện tượng bước hụt chân, rơi tự do khi bắt đầu chìm dần vào giấc ngủ. Hiếm gặp hơn, một số người có cảm giác như đang nằm mơ và thấy rõ là mình đang rơi tọt vào trong lòng một giếng sâu hoặc nghe những tiếng động rất lạ xung quanh.

Thực tế, cảm giác hụt chân khi ngủ còn được biết đến với tên gọi là Hypnic Jerk. Hiểu đơn giản là tình trạng cơ bắp bị co giật trong khi ngủ. Dù cơ bị co giật xảy ra trên toàn cơ thể nhưng chúng ta thường có cảm giác rõ rệt ở chân. Đây là hiện tượng gây tranh cãi trong giới khoa học và nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích cho vấn đề này.

Nhiều người vừa thiu thiu ngủ đã gặp cảm giác bị trượt chân ngã hoặc rơi vào khoảng không sâu hoắm. (Ảnh minh họa).

Nhiều người cho rằng đây là sự thức tỉnh bất ngờ cho phép chúng ta kiểm tra điều kiện môi trường lần cuối- đảm bảo xung quanh thực sự an toàn để chìm vào giấc ngủ - bằng cách tạo ra phản ứng giống như giật mình. Một giả thuyết khác khẳng định, hiện tượng này cho phép chủ thể kiểm tra tính ổn định vị trí cơ thể trước khi đi ngủ, đặc biệt nếu nằm tại nơi không bằng phẳng.

Bác sĩ về thần kinh Christelle Peyron của Pháp thì giải thích đó là do một sự lệch pha giữa não và hệ cơ khi chúng ta sắp bước vào giai đoạn ngủ sâu: "Khi chúng ta bắt đầu thiu thiu ngủ, trương lực cơ giảm, tức các cơ sẽ dãn ra. Nhưng nếu hệ cơ dãn quá nhanh so với hoạt động kiểm soát thăng bằng của não thì khi đó não sẽ cảm nhận đây là một hiện tượng bị té ngã và sẽ nhanh chóng lấy lại quyền kiểm soát cơ thể bằng cách ra lệnh cho hệ cơ co lại".

Ngoài ra, hiện tượng hụt chân khi ngủ không liên quan gì đến các vấn đề về tim, cũng không phải là dấu hiệu đột tử như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo bác sĩ Sylvie Royant-Parola, một chuyên gia về rối loạn giấc ngủ, hiện tượng này hoàn toàn vô hại và không được xem là bệnh lý vì hầu như sau đó chúng ta sẽ tự động ngủ lại bình thường, còn nếu là trẻ em thì thậm chí không cảm nhận được hiện tượng này.

Hiện tượng hụt chân khi ngủ thường xảy ra khi cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, thức khuya làm việc hoặc dùng quá nhiều chất kích thích như cà phê, bia rượu, thuốc lá trước khi ngủ. Những yếu tố này khiến thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng. Ngay cả khi cơ thể chìm vào giấc ngủ não bộ cũng không được thư giãn hoàn toàn.

"Ngày nay nhiều người có thói quen ngủ nghỉ thiếu khoa học. Nào là thức khuya xem tivi, lướt điện thoại di động suốt ngày hay chơi game không kể giờ giấc. Bên cạnh đó là việc lạm dụng cà phê, bia rượu. Tất cả những thói quen đó cuối cùng sẽ tạo ra áp lực lớn lên cơ thể khi chúng ta lên giường ngủ và dễ gây ra hiện tượng hụt chân như trên", bác sĩ Claire Leconte, người chuyên nghiên cứu về nhịp điệu sinh học con người, cho biết.

Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, nếu thường xuyên gặp phải tình trạng này thì nên hạn chế uống cà phê trước giờ đi ngủ. Nguyên nhân bởi nồng độ caffein cao khiến bạn khó có giấc ngủ sâu. Không nên dùng điện thoại hay các thiết bị điện tử 2 tiếng trước khi ngủ.

Uống đủ nước, thường xuyên vận động thể chất để nâng cao sức khỏe. Nên ngủ trong không gian ngủ yên tĩnh, thoáng mát, thoải mái và hạn chế ánh sáng. Có thể thực hiện những hoạt động thư giãn như tập yoga hay thiền trước khi ngủ và không nên chơi thể thao sau bữa tối.

Đặc biệt, chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất có ý nghĩa rất quan trọng. Việc thiếu các chất như magie, canxi, sắt sẽ khiến bạn có nguy cơ hụt chân khi ngủ cao hơn.

Minh Hoa (t/h)