Xã hội

"Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh: “Cú sốc” đấu thầu khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia? (Bài 2)

Sau vụ Việt Á, hoạt động đấu thầu trang thiết bị y tế được chấn chỉnh. Tuy nhiên, ở một số bệnh viện và địa phương do khâu thẩm định quá thận trọng khiến công tác đấu thầu chững lại?

Gián đoạn công tác khám chữa bệnh

Ngày 3/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07, Sở Y tế Hà Tĩnh nhanh chóng có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở y tế trong toàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tắc nghẽn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại các cơ sở Y tế công tại tỉnh này cho thấy, việc tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt vật tư, hóa chất, sinh phẩm chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn, chưa có phương án cụ thể.

Khoa Dược Bệnh viện ĐK Hà Tĩnh hiện đang dự trữ vật tư Y tế để phục vụ điều trị cho bệnh nhân trong thời gian chờ kết quả đấu thầu lại.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, tình trạng thiếu hụt vật tư, hóa chất, sinh phẩm xảy ra từ tháng 8/2022 và hiện tại vẫn đang tiếp diễn. Trong đó, hóa chất, sinh phẩm thiếu chủ yếu phục vụ xét nghiệm chức năng gan, công thức máu, một số xét nghiệm sinh học phân tử... Vật tư thiếu gồm: Xông tiểu, xi sọ não, canyn ngáng lưỡi... Đặc biệt, một số loại vật tư cấp cứu như vòng cao su cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa... cũng không có sẵn tại đơn vị.

Do thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm nên bệnh viện phải tham khảo kết quả xét nghiệm của các đơn vị bên ngoài. Việc này dẫn đến thời gian chờ xét nghiệm chậm trễ hơn so với thực hiện tại bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cứu, chữa bệnh nhân. “Trong thời gian qua, chúng tôi đã phải cho chuyển tuyến nhiều ca bệnh vì không thể làm xét nghiệm máu để phẫu thuật. Căng nhất là khi có các ca bệnh tai nạn giao thông, mất máu cấp vào lúc đêm khuya, rạng sáng, khi đó, các cơ sở y tế tư nhân đã nghỉ làm, không thể làm dịch vụ xét nghiệm nên khó khăn cho các y bác sĩ trong chẩn đoán, cấp cứu và điều trị cho người bệnh”, ông Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay.

Quầy thuốc trước cổng BVĐK Hà Tĩnh có nhiều loại thuốc "cháy hàng", bệnh nhân phải tìm mua nơi khác với giá chênh từ 10 - 80.000 đồng.

Là người trực tiếp điều hành thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải đồ theo dõi bệnh nhân hồi sức, chạy thận... tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thạc sĩ Cao Văn Hùng, Trưởng khoa Sinh hóa cho biết, các hóa chất phục vụ những xét nghiệm trên đã thiếu từ 4 đến 5 tháng nay. “Không có hóa chất, sinh phẩm thực hiện các xét nghiệm đồng nghĩa cắt nguồn thông tin phục vụ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ chuyên môn”, ông Cao Văn Hùng nói.

Doanh nghiệp không mặn mà hay cán bộ sợ sai?

Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiếu hụt là các mặt hàng thuộc danh mục đấu thầu tập trung. Trong năm 2022, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Hà Tĩnh - Sở Tài chính tổ chức đầu thầu 2 gói thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, kết quả đóng thầu chỉ có 6/17 phần thực hiện thành công, với giá trị khoảng 90 tỷ đồng; 11 phần còn lại (tương ứng 2.110 mặt hàng và số tiền dự kiến hơn 272 tỷ đồng) thất bại do không có doanh nghiệp dự thầu.

Bệnh nhân là những người chịu thiệt thòi nếu tìng trạng thiết vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm không sớm được "giải".

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2022 là năm đầu tiên trong lịch sử đấu thầu không thành công.

Tại thời điểm mời thầu, giá các loại vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm biến động; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt quãng; một số vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chưa được kê khai về giá theo quy định tại Nghị định 98. Ngoài ra, khi hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế được chấn chỉnh trên toàn quốc nên các nhà thầu e ngại tham dự đấu thầu. Mặt khác, giá thẩm định của Nhà nước thấp hơn giá thị trường rất nhiều nên các nhà thầu không mặn mà.

Ông Nguyễn Quốc Hương cũng khẳng định, không có tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy, làm chậm quá trình đấu thầu các gói thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm. Thời gian qua, hội đồng thẩm định giá Nhà nước, cán bộ Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính Hà Tĩnh đã làm việc đúng trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật. “Ảnh hưởng của khủng hoảng giá thiết bị, vật tư y tế thời gian qua đã khiến các cán bộ, đơn vị liên quan thẩm định giá cẩn trọng hơn, thời gian thẩm định vì thế kéo dài hơn. Sở đã chỉ đạo Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính Hà Tĩnh triển khai các giải pháp, cố gắng tổ chức mua sắm sớm nhất các mặt hàng vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chưa trúng thầu năm 2022. Dự kiến giữa tháng 7/2023 sẽ có kết quả đấu thầu lại”, ông Nguyễn Quốc Hương nói.

Quyết định 172/QĐ-UBND/14-1-2019 của UBND tỉnh đến nay nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Hương, quá trình đấu thầu lần 2, trường hợp phát sinh các gói thầu không thành công, Sở Tài chính, Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp Sở Y tế báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý. Giải pháp trước mắt là đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị tự tổ chức mua sắm để đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Trả lời câu hỏi của PV tại sao khi đấu thầu lần 1 không thành công, Hà Tĩnh không thực hiện tham chiếu kết quả trúng thầu của các đơn vị khác như cơ chế mở được hướng dẫn tại Nghị quyết 30 của Chính phủ để tháo gỡ “bế tắc” hiện tại? Ông Hương cho rằng, để thực hiện việc tham chiếu kết quả có khi còn lâu hơn tổ chức đấu thầu lại. Hiện nay, Sở Tài chính đang hoàn tất dự thảo để trình lên lãnh đạo UBND tỉnh phương án sửa đổi một số nội dung về mua sắm tập trung phù hợp hơn với tình hình thực tế của tỉnh nhà để “giải” bài toán cấp bách này.

(Còn nữa)

Bài 3: Cần những cán bộ dám làm vì nhân dân