Bất động sản

Giải bài toán nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản

Theo các chuyên gia, các chính sách về đi vay cũng như phát hành trái phiếu sẽ ngày càng chặt chẽ, khó khăn hơn. Vì vậy, IPO sẽ là xu hướng tất yếu thời gian tới.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng hầu hết đến các tỉnh thành, trung tâm kinh tế của cả nước. Theo khảo sát của VCCI và WB, có 87% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 11% không bị ảnh hưởng và 2% có ảnh hưởng tích cực. 

Vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi đại dịch diễn ra là tiếp cận thị trường, dòng tiền, lực lượng lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ở giai đoạn này, các vấn đề tiếp cận khách hàng, lực lượng lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng đều được cải thiện nhưng vấn đề dòng tiền thì không thể giải quyết một cách nhanh chóng, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cần một lượng vốn lớn trong thời gian dài để có thể phát triển các dự án. Dòng tiền là một bài toán trăn trở đối với các doanh nghiệp BĐS.

Ông Lê Vũ Trường - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2021 cho biết: “Nhìn tổng quát về bức tranh thị trường vốn BĐS 2021, đến hiện tại, BĐS nằm trong top 3 thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta chỉ còn 2,2 tỷ USD thay vì 4,2 tỷ USD năm 2020”.

Ông Lê Vũ Trường - Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương tham dự Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2021.

Ông Trường cho hay, trong năm 2021 có hàng loạt vụ M&A trong lĩnh vực BĐS như Vinhomes và Masterise; Bình Dương Tower và Phát Đạt, Nam Long, Ninh Van Bay…

“Điều này cho thấy, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Để huy động vốn, có nguồn vốn vượt qua đại dịch, các doanh nghiệp đã tìm đến giải pháp phát hành trái phiếu, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu”, ông Trường cho hay.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán vốn còn sử dụng cách bán bớt tài sản, huy động vốn từ nhà đầu tư chiến lược.

Theo nhận định của ông Lê Vũ Trường, với các giải pháp huy động vốn, chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là một xu thế tất yếu. Các chính sách về đi vay cũng như phát hành trái phiếu sẽ ngày càng chặt chẽ, khó khăn hơn. Vì vậy, chúng ta cần huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp bằng cách là là huy động vốn trên sàn từ các đối tác chiến lược.

“Giải pháp này có tốt hơn hay không tùy thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của chính bản thân doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội nếu như doanh nghiệp chuẩn bị tốt. Cụ thể, khi lên sàn mọi thứ đều phải minh bạch, rõ ràng và làm lành mạnh thông tin thị trường cũng như hình ảnh của doanh nghiệp tới nhà đầu tư. Nếu làm được việc đó, doanh nghiệp sẽ thu hút các nhà đầu tư cũng như bản thân khách hàng của doanh nghiệp. Việc tận dụng tốt được cơ hội này thì đây là một kênh huy động vốn cực kỳ tốt”, ông Trường nói. 

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE cho rằng số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vẫn chưa có nhiều.

Đồng tình quan điểm, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE chia sẻ: “Nguồn vốn chính là xương sống của doanh nghiệp và đặc biệt thời gian vừa qua dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của các doanh nghiệp. IPO là một kênh rất ưu việt và phát triển rất tốt trên thế giới.  

Tại thị trường BĐS Việt Nam, mặc dù là một thị trường rất phát triển nhưng mà số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn vẫn chưa có nhiều, chiếm tỉ trọng thấp ở trong khu vực”. 

Ông Trường cho rằng, để làm tốt câu chuyện hút vốn, gọi vốn từ các nhà đầu tư, phải hiểu rõ khẩu vị của nhà đầu tư. Cái người ta quan tâm tỉ suất lợi nhuận tốt, tăng trưởng tốt và bền vững lâu dài. Để làm điều đó phải xây dựng chiến lược nền tảng phát triển bền vững từ bản thân doanh nghiệp: Có chính sách nhân sự cạnh tranh; hệ thống thông tin minh bạch rõ ràng; cấu trúc tinh gọn và hợp lý; phân quyền phù hợp; quy trình hiệu quả; chiến lược khác biệt.

Nhận định xu hướng, tỉ trọng nguồn vốn BĐS trong vài năm tới, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Đó là việc siết trái phiếu doanh nghiệp BĐS; việc vay tiền từ các ngân hàng cũng diễn ra không đơn giản nữa. Xu hướng thời gian tới cho dòng vốn là IPO”.

Bên cạnh đó, có một xu hướng là chứng khoán hóa BĐS thông qua các quỹ đầu tư BĐS. Ngoài ra, xu hướng phát triển đồng tiền kỹ thuật số, liên quan đến việc ứng dụng nó trong BĐS, tạo ra dòng vốn cũng là một kênh huy động vốn cần cân nhắc cho doanh nghiệp trong vài năm tới. 

Còn hiện nay, tỉ trọng vốn đến từ ngân hàng và nguồn trái phiếu vẫn là quan trọng tuy nhiên sẽ giảm, nguồn liên quan đến IPO sẽ tăng và có một nguồn tiềm năng nữa đến từ người mua - là người đóng tiền và người mua cuối cùng”.