Dân sinh

Giấc mơ no đủ từ làng chài trên Cao Nguyên

Sương đêm phủ trắng mặt hồ, xa xa trong màn đêm mịt mù những ánh đèn pin lấp lóe. Những cư dân làng chài đang miệt mài theo con nước mưu sinh.

Nhọc nhằn mưu sinh

Hồ thủy lợi Ia Mơr được xây dựng khoảng năm 2005 với mục đích nhân văn là cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân ở Gia Lai và Đắk Lắk.

Một đập lớn được xây dựng để chứa nguồn nước từ 3 con suối: Mơr, Tải và H’rung cùng đổ về. Đại công trình thủy lợi này đã tạo điều kiện cho nguồn thủy sản trù phú. Tiếng lành đồn xa, người dân từ nhiêu tỉnh khác đổ về lòng hồ chài lưới mưu sinh, mơ về cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Xã biên giới Ia Mơr mùa này trời nắng như “đổ lửa” cỏ cây héo húa, ruộng nương nức toác, không khí oi bức, ngột ngạt. Băng qua những cung đường đất đỏ, bụi mù mịt, chúng tôi có mặt tại lòng hồ thủy lợi Ia Mơr.

Cư dân làng chài ra khơi mưu sinh.

Lác đác ven lòng hồ vài túp lều tạm bợ của cư dân làng chài. Trời nắng gắt, dưới bên đò những đứa trẻ đầu trần, chân đất, tất bật phụ giúp cha mẹ chuẩn bị chài lưới ra khơi.

Ngày qua ngày, cuộc sống cơm áo, gạo tiền… con chữ của những đứa trẻ cứ thế theo con thuyền độc mộc dập dìu sông nước.

Những đứa trẻ theo cha mẹ  ra khơi trong hành trình mưu sinh.

Cư dân nơi đây không biết rõ xóm chài này được hình thành từ bao giờ. Ban đầu mới lác đác vài hộ nhưng thời gian trôi qua, xóm chài tăng lên từ vài hộ thành vài chục hộ.  

Trong đó, ông Nguyễn Quang Bình là người lớn tuổi nhất nên được dân chài lưới bầu giữ chức trưởng xóm. 

Căn chòi tạm ven lòng hồ của các cư dân làng chài.

Cách bến thuyền chừng vài chục mét là căn chòi tạm bợ được ông Bình dựng lên bằng cành cây, mái che bằng bạt.

Trò chuyện với chúng tôi ông Bình kể: “Quê chúng tôi ở Tây Ninh vùng sông nước, từ nhỏ đã theo cha đánh cá mưu sinh. Cách đây hơn 5 năm, nghe đứa cháu gọi về bảo trên này nguồi thủy sản trù phú, ít người đánh bắt nên tôi mạnh dạn đưa gia đình lên đây mưu sinh. Đói nghèo nên phải tha hương kiếm miếng ăn qua ngày, mong cuộc sống đỡ vất vả”.  

Vợ chồng anh Linh bắt đầu chuyến ra khơi mưu sinh.

Theo ông Bình, khi mới lên, mấy gia đình dựng lều ở tạm ban ngày còn đêm dong thuyền đánh cá. Sau này, các cấp chính quyền vận động nên mọi người vào làng Khôi thuê nhà dân ở.

"Mấy hộ kia vào ở rồi, tiền thuê một nhà từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Riêng tôi vì già yếu nên được tạo điều kiện cho ở đây để đi làm cho tiện”, ông Bình nói.

“Bình thường, từ 1h đến 4h chiều là chúng tôi ra hồ đánh cá rồi. Hôm nay gió chướng, sợ lật thuyền, chúng tôi chưa dám đi. Đã có nhiều trường hợp chết đuối khi đánh cá nên phải cẩn thận hơn”, ông Bình cho biết thêm.

Mơ về cuộc sống ấm no

Ngoài bến thuyền khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp. Anh Nguyễn Văn Linh, 38 tuổi, quê tỉnh Bình Phước thoăn thoắt giăng lưới. Phía cuối thuyền vợ anh ra sức chèo lái giữ thuyền không bị trôi theo gió.

Anh Linh là người thâm niên kỳ cựu, chia sẻ với PV những gian nan nguy hiểm của cư dân trong những lần ra khơi.

Vừa giăng lưới, anh Linh vừa chia sẻ: “Thường, 1h chiều hai vợ chồng ra thả lưới rồi về nhà nghỉ ngơi. Đến 1h sáng, chúng tôi ra kiểm tra lưới, gỡ cá cho đến 6h sáng thì vô bờ. Tiểu thương sẽ chờ sẵn ở bến, cân cá và trả tiền.

Bình quân mỗi ngày có thu nhập 100-200 ngàn đồng, hôm nào may thì được khoảng 1 triệu đồng. Ở hồ này chủ yếu là cá mè, rô phi, trê, lóc, cá lăng và cá cơm. Cá lăng là đặc sản nhất, có con nặng hơn 10 kg nhưng thỉnh thoảng mới bắt được. Còn nhiều nhất là cá cơm.

Nghề này cực nhất là mùa mưa. Mỗi lần đi đánh cá mặc 2-3 cái áo bông to bự mà không đủ ấm, thường xuyên bị ướt và lạnh tím tái người. Có lần tôi bị lật thuyền trong đêm, may bạn thuyền kịp thời phát hiện, chứ không làm mồi cho hà bá rồi”.

Sau một đêm miệt mài đánh bắt, thành quả của các cư dân làng chài dù không được như ý nhưng mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Văn Dô, 38 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Ở quê không có ruộng rẫy, 2 vợ chồng làm thuê nuôi 3 con nhỏ. Cuộc sống quá khó khăn. Tôi được 1 người bạn mách trên này nguồn thủy hải sản trù phú nên một mình phiêu dạt lên xã Ia Mơr đánh cá. Mỗi tháng gắng làm lụng gửi 4 triệu đồng về nuôi con ăn học". 

Anh Dô bộc bạch: “Có những hôm ra khơi ban đêm trời lạnh cắt da cắt thịt, gió lớn chỉ có một mình nên rất sợ. Không phải cứ nghĩ mình biết bơi là xử lý được. Nhiều khi sóng lớn đánh lật thuyền mình ngã xuống nước tức thở, trời lạnh khiến chân tay bị chuột rút rất nguy hiểm".  

Những con cá tươi được thương lái vào tận nơi để thu mua.

Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhiều hộ dân xóm chài liên kết với nhau nuôi cá trong hồ thủy lợi Ia Mơr.

Anh Lê Văn Dô cùng với 2 hộ dân đã lập nghiệp ở Ia Mơr từ năm 2010 là anh Phạm Văn Quân (quê Thanh Hóa) và Trần Thành Phát (quê Cao Bằng) nuôi cá trê.

Anh cho hay: “Chúng tôi mượn nhà bè của ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 thử nghiệm nuôi cá trê. Đợt trước, chúng tôi mua 15 kg cá giống về thả nuôi và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Chúng tôi đã xuất bán đợt đầu tiên và đang nuôi mới. Dù đợt đầu chưa lời nhiều nhưng chúng tôi thấy nuôi loại cá này có tiềm năng”.

Cá cơm là loại cá phổ biến trên lòng hồ.

Ông Rơ Lan Chim, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr cho biết: “Từ khi chặn dòng hồ thủy lợi Ia Mơr, nguồn thủy sản phong phú nên dân các nơi về đây đánh bắt cá. Từ đó, nhiều hộ dân tại chỗ cũng làm nghề đánh cá cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập. Một số hộ dân cũng được hưởng lợi từ việc cho ngư dân thuê nhà trọ.

“Người dân xóm chài chấp hành tốt đường lối, pháp luật của Nhà nước khi đến tạm trú, đánh bắt cá tại địa phương. Do đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho con cái họ học hành, ổn định cuộc sống”.

“Xã cũng vận động họ nên thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy khi đánh cá trong hồ để đảm bảo tính mạng. Chúng tôi cũng có hướng phát triển nghề mới là nuôi thủy sản trong lòng hồ nhưng chưa thể triển khai vì hồ thủy lợi Ia Mơr không thuộc sự quản lý của xã”, ông Chim nói.