Dân sinh

Giấc mơ đổi đời hóa thành tấn bi kịch của những lao động xuất khẩu "chui"

Nhiều người lao động ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa Nghệ An đi xuất khẩu lao động “chui” với mong muốn thoát nghèo. Điều họ không ngờ việc đó đã trở thành tấn bi kịch khi nhiều người phải trở về trắng tay, nợ nần, thậm chí có trường hợp bị thiệt mạng nơi xứ người.

Kiệt quệ tìm vợ nơi xứ người

Đã hơn nửa năm trôi qua, anh Nguyễn Công Lợi (25 tuổi) trú xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn đang tất tả ngược xuôi, gửi đơn cầu cứu từ địa phương đến Trung ương về việc vợ của anh bị một nhóm người bắt cóc khi đang đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc.

Anh Lợi mệt mỏi khi đã tìm đủ mọi cách vẫn không thể nào cứu được vợ.

“Tôi không thể chờ được nữa nên mấy hôm nữa sẽ lại sang bên ấy để tìm kiếm vợ. Giờ tôi cũng không biết vợ tôi sống chết như thế nào nữa. Nếu biết việc này xảy ra thì chúng tôi sẽ không bao giờ đi xuất khẩu theo hình thức này”, anh Lợi rầu rĩ nói.

Sau hơn 1 năm cưới nhau nhưng không có việc làm, đầu tháng 4/2019, anh Nguyễn Công Lợi cùng vợ là chị Nguyễn Thị Hoài (21 tuổi) vượt biên sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống. Hai vợ chồng được nhận vào làm việc cùng với gần 20 người Việt khác tại một xưởng gia công giày dép ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Cho tới đêm 2/5, sau khi ăn cơm tối, chị Hoài được một phụ nữ tên Nguyễn Thị B., quê ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An rủ đi mua đồ ăn và đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên cũng từ đó chị Hoài bị mất tích vô cùng bí ẩn.

“2 tiếng sau, không thấy vợ về, tôi lo lắng gọi điện hỏi thì B. thì mới biết vợ tôi bị 2 đối tượng bắt cóc. Sau khi liên hệ, những kẻ này ra giá 50.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 180 triệu đồng thì mới trả vợ”, anh Lợi kể.

Lo lắng cho tính mạng của vợ, anh Lợi đưa trước cho những kẻ này 4,5 triệu đồng để lo tiền đi lại. Sau đó, anh Lợi gọi điện về nhà cho người thân vay mượn 150 triệu đồng gửi sang để chuộc vợ về và thương lượng với nhóm bắt cóc sẽ chuyển tiền khi gặp được vợ. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao nhóm này đổi ý và cắt đứt liên lạc với anh.

Vợ của anh Lợi mất tích bí ẩn ở Trung Quốc.

Anh Lợi đến trình báo với Công an Trung Quốc thì bị chủ xưởng đuổi việc sau đó vì sợ liên lụy. Ròng rã 1 tháng tìm kiếm nhưng không có kết quả, anh Lợi về quê. Sau đó, anh tiếp tục làm đơn trình báo, cầu cứu gửi Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An và tìm đến nhà người phụ nữ tên B. ở huyện Tân Kỳ để tìm hiểu thêm thông tin nhưng đến nay tung tích chị Hoài vẫn biệt tăm.

Anh Lợi buồn bã kể: “Từ ngày vợ bị mất tích bí ẩn, tôi sống trong lo lắng, dằn vặt. Tôi đã liên tục kết nối với nhóm bắt cóc qua mạng xã hội nhưng cũng không nhận được hồi âm. Đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ được. Giờ chỉ mong các cơ quan chức năng hai nước phối hợp điều tra, truy tìm vợ và mong các cơ quan báo chí truyền thông lên tiếng giúp”.

Bỏ mạng nơi xứ người

Nhiều người dân tại xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn vẫn không thể nào quên được sự việc 4 lao động quê Nghệ An thiệt mạng với lý do “tai nạn trên biển” khi đang cố vượt qua eo biển Đài Loan bằng đường biển cách đây 2 năm. Trong đó, trên địa bàn có một nạn nhân là anh Lưu Xuân H. (26 tuổi).

Bà Trần Thị Trâm, mẹ H., kể năm trước vợ chồng bà vay hơn 150 triệu đồng cho H. sang Đài Loan làm việc, nhưng công việc của H. ở đất khách quê người không mấy thuận lợi. Cuối năm 2016, H. về nước với số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao. Cuối tháng 3/2017, H. nói với bố mẹ ra Bắc chơi. Tuy nhiên, vài hôm sau, H. gọi về báo với bố mẹ là chuẩn bị sang Trung Quốc tiếp.

Điều đang lòng, đó cũng là cuộc gọi cuối cùng của anh H. với gia đình. Ngày 18/4/2017, khi một số thi thể có kèm giấy tờ tùy thân nổi trên vùng biển Trung Quốc, cơ quan chức năng xác nhận đây là lao động "chui" gặp tai nạn trên biển nên thông báo về cho người thân ở Việt Nam.

Lúc này một số bạn bè của H. ở Đài Loan gọi điện thông báo H. tử vong trên con tàu gặp nạn hôm 31/3/2017, khi vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan. Vợ chồng bà Trâm sau đó nhận được thông báo từ cơ quan chức năng yêu cầu gửi mẫu máu qua Trung Quốc để đối chiếu ADN với thi thể.

Nhiều gia đình đang đứng ngồi không yên do con mất liên lạc ở nước Anh.

Những hoàn cảnh trên đã phần nào phản ánh thực trạng nhức nhối, những hiểm nguy mà người lao động trái phép gặp phải khi không được pháp luật của nước sở tại bảo vệ. Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, ban, ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an vào cuộc một cách quyết liệt, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp môi giới, tổ chức cho người đi lao động trái phép, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nguyên nhân một phần xuất phát từ chính người lao động, muốn “đi tắt, đi nhanh” và rồi rơi vào bẫy của của những kẻ môi giới. Hậu quả dường như lao động nào cũng thấy được trước, thế nhưng vì giấc mơ đổi đổi mà bất chấp làm giàu. Điều không may, ước mơ đó đã trở thành bi kịch cho chính họ và gia đình.

Theo thông tin đưa ra tại hội thảo Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), cục Quản lý lao động Ngoài nước (thuộc bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 7/5 thì hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và xuất khẩu lao động không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.