Thế giới

Giá vé xem phim tăng cao, ngành điện ảnh Trung Quốc hụt hơi dịp Tết

Giá trung bình cho mỗi vé xem phim ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ năm nay là 56 NDT (8,80 USD), mức cao nhất được ghi nhận từ năm 2017.

Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc cho phim ảnh đã giảm mạnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, trong bối cảnh các rạp chiếu tăng giá vé lên mức cao kỷ lục.

Kỳ nghỉ Tết kéo dài 7 ngày (năm nay từ 31/1- 6/2/2021) thường là tuần lễ lớn nhất trong năm của các bộ phim mới phát hành tại Trung Quốc, quốc gia có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. 8 bộ phim do Trung Quốc sản xuất đã được đưa lên màn ảnh trong năm nay.

Tuy nhiên, theo trang bán vé trực tuyến Maoyan, tổng doanh thu phòng vé dịp Tết vừa qua chỉ đạt 6,04 tỷ NDT (951,1 triệu USD), giảm 23% so với mức 7,84 tỷ NDT vào năm 2021.

Dữ liệu cho thấy giá vé năm nay đắt hơn trung bình 8% so với năm ngoái. Giá trung bình cho mỗi vé ở Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ là 56 NDT (8,80 USD), mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2017.

Bà Gao Huan, giám đốc điều hành công ty tư vấn Alvarez & Marsal tại Bắc Kinh, chia sẻ: "Nhiều người tiêu dùng phàn nàn rằng cả gia đình không có đủ chi phí để xem một bộ phim. Những khán giả, đặc biệt là những người có mức thu nhập thấp hơn, đã quyết định chọn ở nhà thay vì đến rạp chiếu phim”.

Các biện pháp hạn chế di chuyển và phong tỏa liên quan đến Covid-19 đã gây sức ép lên chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc trong hai năm qua. Theo dữ liệu do Bộ Văn hóa và Du lịch nước này (MCT) công bố vào ngày 6/2, mức tiêu dùng du lịch nội địa tổng thể trong kỳ nghỉ lễ năm nay đạt mức 289,12 tỷ NDT, thấp hơn 3,9% so với năm 2021. 

Khán giả xếp hàng trước áp phích quảng cáo cho các bộ phim dịp Tết Nguyên đán tại Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 1/2/2022. Ảnh: Getty Images.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Nomura, nhận định rằng sự sụt giảm doanh thu phòng vé dịp lễ hội năm nay là do doanh thu vào năm 2021 ở mức cao, khi Tết Nguyên đán năm ngoái trùng với Ngày lễ tình nhân.

Ông cho biết trong một ghi chú rằng những biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu dùng nói chung còn yếu, khiến việc bán vé ở mức giá cao càng khó khăn hơn. Ông Ting Lu chia sẻ: “Các rạp chiếu phim có thể đã cố tình tăng giá vé nhằm bù đắp cho khoản lợi nhuận dự kiến ​​bị lỗ, bởi họ dự đoán doanh thu sẽ thấp hơn nhiều so với năm ngoái”.

Cùng với việc lạm phát trên toàn cầu gia tăng, giá hàng hóa tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã tăng cao hơn. Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 của Trung Quốc đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2,5% vào năm 2020. 

Bà Gao Huan, giám đốc điều hành công ty tư vấn Alvarez & Marsal tại Bắc Kinh, cho biết: “Các rạp chiếu phim đang chịu nhiều áp lực để hòa vốn”, điều đó có nghĩa rằng họ cần tìm kiếm những nguồn thu khác hoặc tăng giá vé.

Trải qua hai năm đại dịch, các rạp chiếu phim Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do những biện pháp phong tỏa liên tục.

Các trẻ em xem bộ phim 3D tại một rạp chiếu phim ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: CNBC.

Thị phần phim do Trung Quốc sản xuất đã gia tăng tại thị trường nội địa, nhờ chính sách của chính phủ nhằm hạn chế phân phối phim nước ngoài sản xuất trong khi thúc đẩy các phim “cây nhà lá vườn”. 

Bộ phim có doanh thu cao nhất trong kỳ nghỉ lễ tuần trước là “Watergate Bridge” mới phát hành. Theo dữ liệu của Maoyan, bộ phim hài Trung Quốc mới phát hành có tên “Too Cool to Kill” đã xếp thứ hai về tổng doanh thu phòng vé.

Vào tháng 11/2021, Cục Quản lý Điện ảnh Trung Quốc đã đặt mục tiêu phim nội địa chiếm ít nhất 55% doanh thu phòng vé hàng năm, đồng thời mỗi năm có khoảng 50 bộ phim do nước này sản xuất đạt doanh thu tối thiểu 100 triệu NDT.

Phạm Hà Thanh (theo CNBC, China Daily)