Kinh tế vĩ mô

Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4 tăng, doanh nghiệp lữ hành gặp khó

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, các chi phí đi du lịch đều tăng cao. Du khách cần những cách giúp bản thân kiểm soát chi tiêu trong thời gian này.

Giá vé bay các chặng nội địa dịp 30/4 và 1/5 bị đẩy cao 

Tại thời điểm này, giá vé máy bay nội địa đang tăng rất cao, thậm chí có những thời điểm, giá vé nhiều chặng đã tăng ở mức hơn 100%. Giá vé máy bay tăng cao khiến du lịch nội địa gặp khó, nhất là dịp 30/4, mùng 1/5, nhiều người dân đã chọn đi du lịch nước ngoài thay vì đi trong nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, gia đình chị Nguyễn Mỹ Chi ở Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết sau khi tham khảo giá vé đi Phú Quốc và Thái Lan không chênh lệch bao nhiêu, chị quyết định chuyển đi từ nội địa sang bay quốc tế cho chuyến đi chơi dịp lễ này.

"Bay trong nước mà giá ngang ngửa bay quốc tế, tôi tin số đông người sẽ ưu tiên bay đi nước ngoài chơi thay vì đi du lịch trong nước", chị Chi nói.

Nhiều gia đình, du khách đã chuyển kế hoạch đi du lịch nước ngoài khi phát hiện giá vé máy bay trong nước quá cao, trong khi giá chặng quốc tế lại rẻ bất ngờ, thậm chí giá vé bay quốc tế ở một số chặng còn rẻ hơn đường bay trong nước.

Gia đình anh Phương ở Q.7, Tp.HCM cho biết sẽ đi Úc trong dịp 30/4 và 1/5 năm nay vì giá vé máy bay của Vietjet khứ hồi chỉ có hơn 6 triệu đồng/người.

"Ban đầu kế hoạch của chúng tôi là đi các tỉnh phía Bắc, nhưng khi lên đặt vé máy bay thì... hết hồn, hơn 13 triệu đồng cho hai vợ chồng. Giá vé đi Úc rẻ, chúng tôi làm visa trong hai tuần, kế hoạch đặt phòng, các điểm vui chơi cũng rất thuận lợi", anh Phương cho biết. Không chỉ Úc, nhiều đường bay đến các điểm du lịch như Thái Lan, Nhật Bản, Uzbekistan... cũng có mức giá rẻ không tưởng.

Trong khi đó, dù còn nửa tháng nữa mới đến giai đoạn nghỉ lễ, các hãng công bố tăng chuyến nhưng giá vé máy bay vẫn tiếp tục tăng cao khiến nhiều khách hàng lăn tăn trong việc đi du lịch trong giai đoạn này.

Muốn đi du lịch dịp lễ 30/4 – 1/5, ông Đỗ Quang Dũng đã đến hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2023 để tìm hiểu thông tin về giá vé cũng như các tour trong dịp này.

Thông tin mà ông có được là giá vé bay khứ hồi của các hãng đều tăng quá cao, ở mức hơn 5 triệu đồng 1 vé, chưa kể chi phí ăn ở, vui chơi…. Trong khi đó nếu đi tour trọn gói tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, giá cũng chỉ khoảng 5 tới 6 triệu đồng.

Theo khảo sát trên trang bán vé của các hãng bay trong nước, giá vé máy bay một số chặng từ Hà Nội và Tp.HCM đến các điểm du lịch nổi tiếng đang tăng mạnh, khá đắt đỏ. Cụ thể, giá vé bay trung bình dao dộng từ 4,8 đến 5,2 triệu đồng/vé khứ hồi/người, có chặng lên tới 6 triệu đồng/vé. Thậm chí, một số chặng bay đã hết chỗ với vé có giờ đẹp.

Trước tình hình này nhiều chuyên gia dự kiến giá vé máy bay có thể tăng trần trong năm nay. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến từ quý II hoặc III năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó khung giá dịch vụ hàng không tăng trung bình 3,75% so với hiện tại. Theo Bộ này, hiện trần giá vé máy bay vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. Chỉ số này tác động làm tổng chi phí tăng gần 28% so với tháng 12/2014 và 33,5% so với tháng 9/2015.

Trao đổi xoay quanh về vấn đề này trên VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết việc tăng trần giá vé máy bay sẽ khiến giá vé đắt đỏ hơn, người tiêu dùng phải tốn kém hơn khi sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đây lại là điều cần thiết và phù hợp trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao.

"Trong bối cảnh chi phí đầu vào biến động mạnh, các hãng bay chịu sức ép rất lớn từ chi phí giá nhiên liệu tăng cao thì việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là phù hợp và cần thiết. Tuy vậy mức tăng cần được tính toán kỹ dựa trên sự biến động các yếu tố chi phí đầu vào, hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng, hạn chế mức thấp nhất áp lực cho việc tăng chỉ số giá tiêu dùng...", ông Long nói.

Vị chuyên gia này còn cho biết thêm, trước đây doanh nghiệp hàng không nhiều lần đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, trong đó yêu cầu bỏ mức trần. Tuy nhiên, việc bỏ giá trần vé máy bay hiện nay chưa thể thực hiện ngay được, khi mà hàng không là lĩnh vực đặc thù, ít doanh nghiệp tham gia nên rất cần Nhà nước phải quản lý và định giá.

Ảnh minh họa.

Nguyên nhân giá vé tăng "chóng mặt"

Lý giải nguyên nhân giá vé máy bay tăng cao được cho là do một số đường bay quốc tế mở trở lại và yếu tố cung – cầu, nhất là giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4, 1/5 nhu cầu đi lại tăng đột biến.

Giám đốc kinh doanh của một hãng du lịch ở Tp.HCM cho biết trên Tuổi Trẻ, trong những năm gần đây, khách có xu hướng đi tự túc bằng phương tiện cá nhân, một phần vì giá vé máy bay tăng cao. Tuy nhiên, tăng cao như năm nay là rất bất thường và có thể tác động ngược lên nhu cầu di chuyển của người dân.

Theo vị này, để kích cầu du lịch sau dịch, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với nhiều địa phương để cho ra sản phẩm mới, giá tốt nhưng kết quả không như mong đợi. "Trong khi đó, làm việc với các chính quyền địa phương cũng như các tổng cục du lịch như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... chúng tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ để tăng khuyến mãi giảm giá, tặng quà cho du khách rất thiết thực", vị này nói.

Bên cạnh đó, một đại diện một hãng bay cho biết các hãng bán vé với giá theo đúng quy định. Giá vé tăng là do cung cầu thị trường, khách có nhu cầu cao đột biến, dải vé rẻ nhanh chóng cạn và chỉ còn hạng vé cao.

"Trên một chuyến bay có người ngồi bên mua được vé 1 triệu nhưng có người mua vé 2 triệu. Có 12 dải vé được hãng mở bán từ thấp đến cao. Hành khách mua sớm được giá tốt hơn, mua sát ngày bay vé giá cao", vị này lý giải.

Để giảm thiểu tình trạng giá biến động, các chuyên gia cho rằng cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị để điều tiết thị trường theo hướng hài hoà, cùng có lợi. Cùng với đó, các điểm du lịch trong nước cần đặc biệt chú ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với phát triển những sản phẩm du lịch mới để tăng sức hấp dẫn đối với du khách; nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong phục vụ.

Doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn

Thời gian gần đây giá vé máy bay tăng cao như vậy đang khiến các doanh nghiệp lữ hành trong nước gặp khó bởi nhiều người đã người quyết định chọn đi nước ngoài nghỉ lễ thay vì đi các tour trong nước.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.HCM cho biết: "Điều này ảnh hưởng nhất định đến du lịch nội địa, nhất là những nơi phụ thuộc hoàn toàn vào những chuyến bay. Ngành du lịch và hàng không sẽ có những thương thảo, gắn kết để cùng nhau có những chương trình kích cầu cho hiệu quả".

Theo tính toán, giá vé máy bay chiếm 40-60% giá thành của một tour du lịch. Do vậy, giá vé tăng không chỉ là câu chuyện của ngành hàng không

Trong khi đó, anh Đinh Hiếu Nghĩa, Giám đốc Truyền thông, Công ty Tugo, nói: "Thay vì chọn đi nội địa với vé máy bay bị tăng cao, khách book một chương trình tour luôn để đi Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản và nếu book từ sớm thì tới dịp lễ 30/4 sẽ đi dễ dàng hơn".

Chia sẻ với Zing, ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc cho hay hiện chỉ có 30-35% hướng dẫn viên trong hiệp hội có lịch đi tour vào dịp lễ sắp tới. Trong khi đó vào thời điểm này năm ngoái, mọi người đều rất bận rộn, thậm chí quá tải vì đông khách.

Hiện, các hướng dẫn viên cũng chấp nhận giảm giá công tác phí để góp phần giúp hãng lữ hành giảm bớt áp lực về giá tour.

"Thông thường, công tác phí của hướng dẫn viên là 700.000 đồng/ngày. Tuy nhiên gần đây khi ký hợp đồng đối tác với một số đơn vị, chúng tôi đã chấp nhận mức giá 600.000 đồng/ngày", ông Tâm nói với Zing.

Việc giá vé máy bay tăng cao sẽ gây ảnh hưởng đến việc định vị lại thị trường du lịch trong giai đoạn phục hồi hiện nay.

Top thị trường khách du lịch hàng đầu đến Việt Nam đầu năm 2023

Tính chung quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2.699.500 lượt, tăng gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, con số này mới chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 2,424 triệu lượt, chiếm 89,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 29,4 lần cùng kỳ năm 2022. Khách đến bằng đường bộ đạt gần 242.000 lượt người, chiếm 9%; khách đến bằng đường biển đạt 33.700 lượt, chiếm 1,2% và gấp 936,3 lần so với năm 2022.

Tính theo khu vực, khách từ châu Á đến Việt Nam vẫn dẫn đầu so với các châu lục khác.

Lượng khách du lịch nội địa tháng 3/2023 ước đạt 7,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa trong quý I đạt gần 28 triệu lượt khách.

Tổng thu từ khách du lịch 3 tháng đầu năm nay ước đạt hơn 132.000 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650.000 tỷ đồng.

Trúc Chi (t/h)