Tiêu dùng & Dư luận

Giá vật liệu xây dựng tăng cao, chuyên gia mách nước cho người mua nhà

Trên thị trường, giá vật liệu xây dựng xi măng, thép… đang tăng giá, điều này khiến thị trường biến đổi, ảnh hưởng đến chính túi tiền của người dân.

Vật liệu xây dựng ‘đội” giá

Từ đầu quý 1/2022, thị trường về nguyên vật liệu xây dựng đồng loạt chuyển biến thay đổi giá một cách “chóng mặt”. Tại thị trường vật liệu xây dựng Tp.HCM, nhiều mặt hàng đã tăng giá do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó giá cước vận tải, xăng dầu tăng làm cho các mặt hàng này “ăn theo”.

Vật liệu xây dựng tăng giá khiến nhiều công trình ngưng trệ - Ảnh PS.

Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Đoàn Thái Hùng chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường số 9, phường Linh Tây, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, thời gian qua giá nguyên vật liệu trong lĩnh vực xây dựng đều tăng. Do giá xăng tăng cộng với nhiều tác động, thị trường vật liệu cũng bị nâng giá.

Không chỉ xi măng, thép cũng liên tục tăng giá và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến giá phôi tăng theo.

Trao đổi với Người Đưa Tin về giá nguyên vật liệu hiện nay, ông Trần Quốc Lập - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Số 1 Mê Kông (CC1-MEKONG) cho biết: “Hiện nay thị trường nguyên vật liệu về xây dựng đang tăng theo nhiều góc độ khác nhau do ảnh hưởng bởi thị trường.

Chúng tôi nhập nguyên liệu (dầu tăng khoảng 50% XM tăng khoảng 17%; cát tăng khoảng 15-20%; đá tăng khoảng 10%  đầu vào đang tăng ) so với năm 2021. Mọi năm các bên cung cấp đều có điều chỉnh biên độ về giá nhưng không lạm phát như hiện tại”.

Nhiều nhà thầu, công ty cung cấp vật liệu, chủ đầu tư dự án bất động sản đang đau đầu vì giá vật liệu tăng - Ảnh PS.

Theo ông Lập, không riêng gì các đơn vị khác mà ngay cả CC1 -MEKONG cũng đang phải đưa ra những bài toán để cân đối giữa nguyên liệu đầu vào và giá bán bê tông đầu ra cho khách hàng.

“Có những hợp đồng ký kết với khách hàng trước đây không được nâng giá, hoặc biên độ điều chỉnh giá không quá 3%, -5% nhưng khi lạm phát xuất hiện, giá thành sản phẩm vật liệu xây dựng tăng thì chúng tôi phải đưa ra việc tiết kiệm trong các khâu sản xuất, cân đối nguồn hàng và tìm các đối tác cung cấp nguyên liệu giá tốt hơn. Ngoài ra, vẫn phải đảm bảo chất lượng cho chính sản phẩm của mình” ông Lập cho hay.

Cần chọn sản phẩm được định giá đúng

Trong khi nhiều nhà cung cấp vật liệu xây dựng đau đầu vì giá tăng thì nhiều chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản cũng đang loay hoay tìm cách giải bài toán nguyên vật liệu để bán sản phẩm bất động sản.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Phú Đông (Phú Đông Group) cho biết: “Hiện nay loại chi lớn nhất của một công trình đó là chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công.

Chi phí nhân công trong thời điểm hiện tại lạm phát giá khiến nhân công tăng giá, nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng giá.

Đặc biệt, giá dầu tăng thì các nguyên vật liệu đều tăng lên, rồi sắt thép cũng tăng lên nguyên nhân do nguồn cung hàng khan hiếm. Như vậy, gộp các yếu tố trên lại thì chi phí xây dựng chắc chắn sẽ phải tăng lên. Việc tăng chi phí như vậy thì buộc chủ đầu tư phải chia sẻ với nhà thầu.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng người dân cần có sự lựa chọn, cân nhắc sản phẩm bđs tại thời kỳ lạm phát - Ảnh NT.

Mà chủ đầu tư muốn chia sẻ thì phải bán được sản phẩm với giá cao, có nghĩa là khách hàng cũng chia sẻ với chủ đầu tư.

Tức là 3 chủ đầu tư - nhà thầu - khách hàng phải chia sẻ với nhau. Với sự chia sẻ này thì mới đảm bảo được mặt bằng giá tương đối ổn định, còn nếu không bắt buộc giá thành sản phẩm phải tăng.

Tuy nhiên, sẽ có những chủ đầu tư có năng lực xây dựng tốt, có bạn hàng cũng cấp nguyên vật liệu lâu dài thì họ sẽ lấy được nguyên vật liệu với giá tốt. Trong xây dựng sẽ có hợp đồng kỳ hạn.

Nói về việc ứng phó với biến động giá cả, ông Phúc cho hay: “Phú Đông Group là một công ty vừa phát triển dự án bất động sản và có Công ty Cổ phần Xây Lắp Và Vật Tư Xây Dựng (CBM). Vì vậy công ty có lợi thế về xây dựng nên chủ động được công nghệ, các bạn hàng cung cấp nguyên vật liệu cũng có sự chia sẻ, giá cả hợp lí.

Như vậy, khi cấu thành giá bán thì sản phẩm của Phú Đông sẽ tăng biên độ rất nhỏ so với các chủ đầu tư khác trên thị trường, để tạo lợi thế cạnh tranh với các đơn vị khác”.

Theo ông Phúc, về giá thành sản phẩm thì dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi 2 yếu tố. Thứ nhất là giá xăng dầu, yếu tố thứ hai, thị trường Trung Quốc là công xưởng của thế giới.

Các nguyên vật liệu xuất phát từ Trung Quốc rất nhiều, bên cạnh đó đây còn là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Bởi vậy, khi nào quốc giá này kiểm soát dịch bệnh thì giá cả thị trường nguyên vật liệu cũng sẽ ổn định hơn.

Tp.HCM là một trong những đại công trường xây dựng của cả nước, giá nguyên vật liệu tăng cũng khiến cho giả cả của nhiều sản phẩm thay đổi - Ảnh PS.

Trả lời Người Đưa Tin về việc làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, cho người mua nhà, hay khi giá vật liệu tăng thì sẽ đánh vào giá bán?

Ông Phúc cho hay: “Ở đây chúng ta có nhiều trường hợp. Trường hợp thứ nhất là chủ đầu tư chưa bán hàng thì nếu họ không phải là một đơn vị đầu tư xây dựng như Phú Đông Group thì họ sẽ điều chỉnh giá bán.

Bởi vì, chủ đầu tư phải có một khoản để bảo hiểm cho câu chuyện rủi ro, giá nguyên vật liệu biến động. Như vậy, khách hàng phải mua sản phẩm giá cao”.

Trường hợp thứ hai là chủ đầu tư đã bán hàng rồi, đã thống nhất giá cả với khách hàng thì không thể thay đổi giá. Tuy nhiên, người ta có thể sẽ ép đơn vị nhà thầu. Trong xây dựng, hợp đồng nhà thầu kí với chủ đầu tư có 2 loại.

Loại thứ nhất là fixed giá (giá cố định). Loại thứ hai là có biến động giá, tức là trong trường hợp yếu tố khách quan gia tăng vật liệu xây dựng… thì các bên có thể ngồi lại với nhau để thương lượng lại chi phí.

Với trường hợp thứ nhất thì chủ đầu tư vẫn có sự lo lắng đó là nhà thầu làm càng lỗ thì họ sẽ không đảm bảo tiến độ, không bàn giao sản phẩm kịp tiến độ ảnh hưởng đến khách hàng.

Với trường hợp thứ hai, thì chủ đầu tư điều phối với nhà đầu, chấp nhận giảm lợi nhuận vì giá thành đã chốt với khách hàng, không thể thay đổi. Khách hàng sẽ không ảnh hưởng về giá nếu mua sản phẩm đã bán rồi nhưng có thể ảnh hưởng về tiến độ xây dựng.

Giá cả leo thang có thể khiến nhà thầu cân đối lại chất lượng gạch, thép, xi măng… Còn với các đơn vị có năng lực xây dựng thì họ có thể điều phối giữa các bên cho hợp lý.

Nhân công, giá vật liệu ngày càng tăng - Ảnh PS.

“Trong thị trường lạm phát, bất động sản vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn để khách hàng gửi tiền của mình vào. Nhưng mà bất động sản vẫn là một loại hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì sẽ có tăng, có giảm.

Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, thì giá bất động sản chắc chắn sẽ tăng. Người mua hàng trong giai đoạn này phải mua với giá bất động sản tăng nhưng mà sẽ tránh được lạm phát trong tương lai,” Tổng Giám đốc Phú Đông Group nhận định.

“Bất động sản là một kênh lựa chọn nhưng hãy lựa chọn bất động sản được định giá đúng để giảm thiểu rủi ro. Vậy thế nào là định giá đúng, điều này phụ thuộc vào cảm nhận của khách hàng. Họ phải so sánh, nghiên cứu các thông tin trên thị trường để không mua các sản phẩm với giá quá cao.

Căn cứ vào vị trí dự án như các vị trí giáp ranh Tp.HCM, trung tâm các khu công nghiệp sẽ có thể nhiều thu hút nhiều khách hàng. 2 xung lực tăng giá là lạm phát và nội tại lực cầu của dự án. Lực cầu dự án càng lớn thì giá cả dự án sẽ càng dễ tăng theo thời gian”, ông Phúc chia sẻ.