Tài chính - Ngân hàng

Giá vàng hôm nay 6/5: Vàng miếng SJC "đứng giữa hai dòng nước", loay hoay tìm lối đi

Giá vàng tăng giảm liên tục trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, nhưng căng thẳng Mỹ-Trung và mâu thuẫn tại châu Âu lên cao.

Giá vàng trong nước hôm nay 6/5

Giá vàng SJC hôm nay 6/5 của tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội giảm 100.000 đồng còn 47,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và giảm 150.000 đồng còn 48,20 triệu đồng/lượng (bán ra).

Hôm nay (6/5), tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 47,90 triệu đồng/lượng và 48,35 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng SJC hôm nay 6/5 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thị trường TP.HCM tăng nhẹ lên 47,90 triệu đồng/lượng và 48,50 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC hôm nay 6/5 vẫn không có biến động mạnh

Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC của doanh nghiệp này niêm yết mức 47,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,52 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng 9999 hôm nay 6/5 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP.HCM tăng không đáng kể, niêm yết 4.595.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.675.000 đồng một chỉ (bán ra).

Giá vàng ta hôm nay 6/5 niêm yết chiều mua vào 4.595.000 đồng một chỉ, bán ra 4.675.000 đồng một chỉ.

Giá vàng thế giới hôm nay 6/5

Tính đến đầu giờ sáng ngày 6/5, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.705,20 USD/Ounce.Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.706 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn khoảng 210 USD/Ounce so với đầu năm 2020. Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 47,62 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 830 ngàn đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng giảm liên tục trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tăng mạnh, nhưng căng thẳng Mỹ-Trung và mâu thuẫn tại châu Âu lên cao.

Việc giới đầu tư kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế tại châu Âu và Bắc Mỹ đã khiến chứng khoán Mỹ và châu Á tăng mạnh. Áp lực đó khiến giá vàng giảm.

Liên quan tới dịch Covid-19, tổng số ca tử vong vì virus corona chủng mới đã vượt qua ngưỡng 250.000 và số nhiễm bệnh đã lên tới 3,6 triệu người.

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở một số nước. Tuy nhiên, Covid-19 được đánh giá đã đạt đỉnh điểm, nhất là tại châu Âu. Nhiều tiểu bang Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động kinh doanh. Tại Hong Kong, khu hành chính đặc biệt này sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế đi lại.

Thông tin này ngay lập tức khiến giới đầu tư phấn khởi. Dòng tiền đổ mạnh vào các TTCK khiến giá cổ phiếu tăng.

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại vàng lại được hỗ trợ bởi căng thẳng Mỹ-Trung lên cao và mâu thuẫn tại Liên minh châu Âu (EU) gia tăng, liên quan tới các chương trình bơm tiền kích thích nền kinh tế trong khu vực.

Washington đã đe dọa sẽ đánh thuế trở lại lên hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không đẩy mạnh mua nông sản Mỹ.

Tổng thống Trump đã nhiều lần nói ông có thể áp mức thuế mới bên cạnh mức thuế hiện tại là 25% đối với 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài ra Tổng thống Donald Trump còn được cho là đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc.

Các nguồn tin cho hay Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Mỹ đang tìm cách thuyết phục các công ty nước này chuyển cả nguồn cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Các ưu đãi thuế và chính sách hỗ trợ dịch chuyển đang được cân nhắc để đẩy nhanh sự thay đổi trên. Ngoài ra, các cơ quan của Mỹ đang thăm dò để xem xét ngành chế tạo nào được coi là "thiết yếu" và làm thế nào để sản xuất những hàng hóa này bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, tại châu Âu, Tòa án Đức vừa ra phán quyết về chương trình mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ năm 2015 với trị giá khoảng 2,9 ngàn tỷ USD. Phán quyết này không liên quan tới chương trình kích thích nền kinh tế đang được ECB áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.