Tài chính - Ngân hàng

Giá vàng hôm nay 31/3: Vàng vượt mốc 48 triệu đồng/lượng

Vàng miếng SJC tăng trở lại và treo ở mức gần đỉnh cao trong nhiều năm trong bối cảnh đồng USD suy yếu rất nhanh.

Giá vàng trong nước hôm nay 31/3

Giá vàng SJC hôm nay 31/3 của tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội giảm 200.000 đồng còn 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào) nhưng giữ nguyên chiều bán ra ở mức 47,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC hôm nay 31/3 giữ nguyên mức 47,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và tăng thêm 200.000 đồng lên 48,10 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng SJC hôm nay 31/3 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thị trường TP.HCM tăng 200.000 đồng lên 47,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và tăng tới 400.000 đồng lên 48,30 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng miếng SJC hôm nay 31/3 đã vượt qua mốc 48 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 9999 của Phú Quý hôm nay 31/3 giảm nhẹ, niêm yết 4.500.000 đồng một chỉ (mua vào) và  4.600.000 đồng một chỉ (bán ra).

Giá vàng 9999 hôm nay 31/3 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP.HCM niêm yết mức 4.470.000 đồng một chỉ (mua vào) và 4.590.000 đồng một chỉ (bán ra).

Giá vàng ta hôm nay 31/3 niêm yết chiều mua vào 4.470.000 đồng một chỉ, bán ra 4.590.000 đồng một chỉ.

Giá vàng thế giới hôm nay 31/3

Tới 8h30 sáng 31/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.616 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.647 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn 26,7% (343 USD/ounce) so với đầu năm 2019.

Giá vàng thế giới treo trên đỉnh cao nhiều năm do vẫn là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh các nước đồng loạt bơm tiền và đồng USD suy yếu nhanh chóng sau quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vàng tăng trở lại và treo ở mức gần đỉnh cao trong nhiều năm trong bối cảnh đồng USD suy yếu rất nhanh. Trong khoảng 1 tuần qua, vàng đã lấy lại được vị thế là tài sản trú ẩn an toàn khi mà các nước ồ ạt bơm tiền và nguồn cung vàng vật chất bị gián đoạn do 3 nhà máy tinh chế vàng tại châu Âu bị đóng cửa và việc vận chuyển vàng bị gián đoạn trên toàn thế giới do dịch Covid-19.

Vàng giữ được mức giá cao sau khi Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 2 ngàn tỷ USD. Không chỉ Mỹ, hàng loạt các nước khác vẫn đang đồng loạt bơm tiền và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nước Úc cũng vừa công bố gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử, trị giá gần 80 tỷ USD, nhằm trợ cấp tiền lương cho hơn 6 triệu người lao động đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Hàn Quốc cũng sẽ chi thêm 9.100 tỷ won hỗ trợ 14 triệu gia đình thu nhập thấp, gồm khoảng 35 triệu người trên tổng dân số 51 triệu người dân nước này. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ thúc đẩy một gói ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 7.100 tỷ won (5,8 tỷ USD) để cung cấp phiếu mua sắm và phiếu quà tặng cho hơn một nửa hộ gia đình.

Nước Anh cho biết chính phủ đã dành gần 400 tỷ USD cho các khoản vay đối với tất các doanh nghiệp cần kíp để bảo đảm công việc của người dân, giúp đỡ duy trì thu nhập và hoạt động kinh doanh.

Tây Ban Nha cũng đã công bố gói cứu trợ trị giá hơn 200 tỷ euro (gần 220 tỷ USD), bao gồm cung cấp các khoản vay, tín dụng, viện trợ trực tiếp cho hàng loạt doanh nghiệp và người lao động.

Cho tới thời điểm này, vàng vẫn là sự lựa chọn hợp lý khi các nước triển khai các gói kích thích tài khóa siêu khủng và chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ.

Ở chiều ngược lại, đà tăng giá của vàng bị hạn chế bởi áp lực bán vàng lấy tiền để bù đắp cho những thiệt hại về chứng khoán, trong bối cảnh thị trường cổ phiếu trên toàn thế giới vẫn liên tục giảm mạnh do lo ngại những tác động từ dịch Covid-19.

Trong phiên 30/3, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm theo đà giảm sâu trên Phố Wall phiên cuối tuần trước. Chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm cho dù gói kích thích khổng lồ đã được thông qua. Giới đầu tư lo ngại diễn biến đáng ngại của dịch Covid-19 đang diễn ra tại nước này.

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci vừa đưa ra cảnh báo sốc cho rằng Covid-19 có thể khiến 200.000 người chết ở Mỹ, trong hàng triệu ca nhiễm.