Tài chính - Ngân hàng

Giá vàng 9999, vàng SJC bật tăng bất ngờ, vượt mốc 40 triệu đồng/lượng

Giá vàng 9999, giá vàng SJC hôm nay bất ngờ tăng vượt mốc 40 triệu đồng/lượng, để ngỏ cơ hội tiếp tục tăng mạnh.

Giá vàng trong nước hôm nay 31/7

Giá vàng SJC hôm nay 31/7 của tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội tăng mạnh thêm 200.000 đồng/lượng lên 39,63 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,85 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC hôm nay 31/7 tăng thêm 150.000 đồng/lượng lên 39,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,80 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng SJC hôm nay 31/7 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC thị trường TP.HCM tăng thêm 200.00 đồng/lượng, niêm yết mức 39,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 39,80 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng 9999 hôm nay tăng mạnh, vượt ngưỡng 40 triệu đồng/lượng

Giá vàng 9999 của Phú Quý hôm nay 31/7 tăng nhẹ lên mức 3.940.000 đồng một chỉ (mua vào) và  3.980.000 đồng một chỉ (bán ra).

Giá vàng 9999 hôm nay 31/7 của công ty tập đoàn vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường TP.HCM bật tăng, niêm yết mua vào 3.958.000 đồng một chỉ, bán ra 4.003.000 đồng một chỉ.

Giá vàng ta hôm nay 31/7 tăng mạnh, niêm yết chiều mua vào 3.958.000 đồng một chỉ, bán ra 4.003.000 đồng một chỉ.

Giá vàng 24k  mua vào 3.873.500 đồng một chỉ, bán ra 3.953.500 đồng một chỉ. Trong khi đó, giá vàng tây 18K mua vào 2.870.000 đồng một chỉ, bán ra 3.010.000 đồng một chỉ.

Giá vàng thế giới hôm nay 31/7

Tới đầu giờ sáng 31/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.427 USD/ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn 9,6% (124,5 USD/ounce) so với đầu năm 2018. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 39,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 200 ngàn đồng so với vàng trong nước.

Giá vàng thế giới bật tăng lên cao cho dù đồng USD cũng đang trên đỉnh 2 tháng. Giới đầu tư đang nín thở theo dõi các động thái của Mỹ và trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với bất kỳ cú bứt phá nào của giá vàng.

Chiều nay 31/7, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc cuộc họp quan trọng. Nếu FED không cắt lãi suất, vàng sẽ giảm nhanh. Ngược lại nếu FED mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, giá vàng sẽ tăng mạnh.

Dựa vào tình hình thực tế, các nhà đầu tư dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tới. Trong khi một số ít kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.

Giá vàng tăng một phần do cuộc chiến tiền tệ giữa các nước theo chiều hướng nới lỏng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng, với lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở khoảng 0%. Trong khi đó, Chính phủ Nhật sẽ tăng số lượng trái phiếu mua vào.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ngân hàng này có thể mở một gói nới lỏng định lượng mới trong bối cảnh lạm pháp vẫn rất thấp so với mục tiêu đặt ra. ECB đã công khai để ngỏ khả năng cho việc ECB giảm lãi suất cũng như mua thêm trái phiếu ngay từ tháng 9 tới.

Vàng tăng giá còn do lực cầu từ các ngân hàng trung ương. Nỗ lực mua vàng của Nga và Trung Quốc nhằm  đa dạng hóa nguồn dự trữ trong thời gian gần đây đã cho thấy xu hướng này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia không tin lắm vào tương lai tăng giá vàng. Sở dĩ các chuyên gia lo ngại vàng sẽ không tăng tiếp là bởi khi các quốc gia đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ thì nền kinh tế và qua đó là các thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm. Nhu cầu đối với các loại tài sản rủi ro sẽ khiến dòng tiền vào vàng giảm xuống.

Bên cạnh đó, một quốc gia tiêu thụ vàng lớn là Ấn Độ có thể giảm nhập khẩu vàng vật chất sau khi nước này tăng thuế đối với mặt hàng kim loại quý.