Tài chính - Ngân hàng

Giá vàng giảm sâu nhất từ đầu năm, người mua lỗ "thảm"

Cuối tuần, thị trường vàng thế giới trải qua phiên giao dịch tiêu cực nhất kể từ đầu năm đến nay khi giá vàng giao ngay giảm hơn 40 USD chỉ trong vài giờ.

Vàng bất ngờ "giáng đòn" đau vào thị trường

Zing.vn cho biết, trong đêm 6/8, giá vàng thế giới lao dốc một mạch từ vùng 1.804,1 USD xuống đóng cửa ở mức 1.763,1 USD/ounce, tương đương mức giảm 41 USD. Đây được coi là mức giảm shock nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Vào tháng 7/2021, Mỹ công bố số liệu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp vượt xa kỳ vọng của các chuyên gia phân tích. Điều này đã cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt hơn so với dự kiến.

Đồng USD tăng giá, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục "xanh" sàn. Nhiều người dồn vốn vào trái phiếu và cổ phiếu khiến thị trường vàng vắng bóng người mua.

Điều này khiến nhu cầu của người dân với các tài sản trú ẩn an toàn nói chung và kim loại quý nói riêng sụt giảm. Giá vàng giảm hàng chục USD là điều tất yếu.

Nhà phân tích của công ty Giao dịch Ngoại hối Oanda (Mỹ) Edward Moya nhận định thị trường vàng đang trong giai đoạn nhạy cảm: "Giá vàng có thể lùi về 1.750 USD/ounce và nếu mức cản này bị phá vỡ thì vàng có thể xuống còn 1.700 USD/ounce".

Biến động về giá vàng được thể hiện qua đồ thị trên. (Ảnh Gold Price)

Diễn biến tiêu cực của giá vàng thế giới cũng tác động mạnh đến giá vàng trong nước cuối tuần này, hiện hầu hết doanh nghiệp vàng lớn đã giảm giá mua vàng về mức 57 triệu đồng/lượng, thấp nhất kể từ đầu tháng 7.

Dựa trên thông tin từ Người Lao Động, ghi nhận thời điểm 9h30 phút, giá vàng SJC tại TP.HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 56,3 triệu đồng/lượng, bán ra 57 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được niêm yết giảm mạnh hơn về 50,6 triệu đồng/lượng mua vào, 51,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm tới 350.000 đồng mỗi lượng.

Trong khi đó, doanh nghiệp điều chỉnh giá vàng PNJ giảm sâu hơn khi chỉ còn 50,8 triệu đồng/lượng mua vào, 52,2 triệu đồng/lượng bán ra, "bốc hơi" 450.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Giá vàng miếng PNJ, nhẫn trơn PNJ được PNJ niêm yết ở mức 5.135.000 VNĐ/chỉ (mua vào) – 5.275.000 VNĐ/chỉ (bán ra), ổn định với giá mở phiên ngày hôm qua.

Ở diễn biến tích cực, theo phân tích trên trang PNJ.com, có nhiều nguyên nhân sẽ khiến giá vàng trong thời gian tới sẽ quay về lại mốc 1.800 USD/ounce.

Trên thế giới, tình hình ca mắc Covid – 19 gia tăng, yếu tố rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Bởi vậy, kênh trú ẩn an toàn là kim loại quý sẽ không vững bền bằng giá trị của đồng bạc xanh.

Rất có thể đến cuối năm, khi cục diện dần được kiểm soát, giới đầu tư sẽ quay lại tích trữ kim loại quý, khi đó, xu hướng tăng của vàng được dự báo sẽ sớm trở lại.

Giá vàng lao dốc, "ai khóc ai cười"?

Từ đầu năm 2021, giá vàng trong nước lên tục đắt hơn thế giới từ 5-8 triệu đồng/lượng. Ngày 7/8, theo quy đổi tỷ giá USD/VNĐ của ngân hàng Vietcombank (23.030 đồng), giá vàng thế giới tương đương 49,86 triệu đồng/lượng, thấp hơn 7,94 triệu đồng/lượng so với mức vàng trong nước.

Theo VietnamPlus, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không liên thông với nhau, cũng có lúc giá vàng trong nước thấp hơn thế giới nhưng phần lớn các thời điểm đều cao hơn. 

Việt Nam chỉ có 1 kênh duy nhất là Ngân hàng Nhà nước được phép nhập khẩu vàng.

Các chuyên gia cho rằng, do không tự chủ được nguồn cung nên nhiều doanh nghiệp bị động trong việc cân đối lượng vàng mua-bán trên thị trường, dẫn tới giá trong nước đắt hơn nhiều so với thế giới.  

Doanh nghiệp, cửa hàng muốn đầu cơ đã phải "mua để dành", chờ thời tăng bất chấp diễn biến của thị trường. Trong trường hợp vàng "vỡ trận", chênh lệch quá lớn, khách hàng sẽ rút lui và "thoái vốn" vào các kênh đầu tư hấp dẫn hơn là USD và chứng khoán, thậm chí bất động sản. Lúc này doanh nghiệp và cửa hàng vàng tư nhân rơi vào cảnh "nhức đầu" xử lý khủng hoảng.

Còn về phía khách hàng, giá chênh lệch thế giới cao, điều này khiến giá mua vào-bán ra cũng vì thế mà ở mức cao, cuối cùng, khách hàng là người thiệt nhất. Dễ hiểu hơn, người dân hiện phải đang phải trả giá quá đắt để sở hữu cùng khối lượng vàng như giá thế giới.

Bởi vậy, nếu coi vàng là 1 kênh chơi "kiếm lời" thì không nên, còn muốn mua nhỏ lẻ để làm nữ trang, thiết nghĩ không có ảnh hưởng gì trầm trọng. 

Min (Tổng hợp)